Lấp khoảng trống tài trợ chuỗi cung ứng

00:00 12/10/2020

Việc phát triển thị trường tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam là điều vô cùng cấp thiết với các doanh nghiệp nhưng lại đang gặp khó khăn từ những “khoảng trống” trong hoạt động này.

Ông Kheng Leong Lee, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Nam Á của Hiệp hội Bao thanh toán Quốc tế (FCI), cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia của ASEAN được hưởng lợi chính bởi dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ – Trung.

45% hồ sơ vay vốn “bị từ chối”

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Việt Nam phải có chuỗi cung ứng tốt và hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp (DN) cũng phải tốt. Nếu không đáp ứng được điều này, theo ông Lee, dòng vốn đầu tư có thể sẽ dịch chuyển sang quốc gia khác vốn có lợi thế hơn về nhân công rẻ, giá thành sản xuất thấp, cung cấp định chế sản xuất hàng hoá rẻ hơn và có nguồn tài trợ chuỗi cung ứng tốt hơn.

Chia sẻ tại Diễn đàn thường niên lần thứ 4 của APEC ở Tp.HCM ngày 11/11 xoay quanh vấn đề phát triển thị trường tài trợ chuỗi cung ứng tại các nền kinh tế mới nổi, Giám đốc khu vực của FCI tỏ ra băn khoăn về “khoảng trống” tài trợ thương mại với hàng tỷ USD. Hơn nữa, có đến 45% hồ sơ vay vốn của các DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa (DNNVV) đã “bị từ chối”.

Ông Lee bày tỏ hy vọng các công ty công nghệ tài chính (Fintech) sẽ là một trong những giải pháp nhằm giúp các DN Việt Nam tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tài trợ chuỗi cung ứng, nhất là trong bối cảnh các Fintech trên toàn thế giới đã dành 24,3 tỷ USD cho vay hoạt động này. Hiện tại, so với các công ty Fintech trong ASEAN, Việt Nam vẫn xếp sau Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines.

Giới chuyên gia quốc tế nhận định kim ngạch ngoại thương của Việt Nam đã tăng lên trong những năm gần đây, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang mở ra cơ hội thị trường mới cho các DN trong nước.

Tuy nhiên, việc thiếu vốn lưu động và các dịch vụ ngân hàng tài trợ giao dịch như tài trợ chuỗi cung ứng đã phần nào ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận các đơn hàng lớn của DN Việt, cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển mối quan hệ mới với các đối tác trong chuỗi giá trị.

Theo thống kê của Hệ thống quốc gia đăng ký giao dịch đảm bảo, số lượng các đăng ký giao dịch đảm bảo bằng các khoản phải thu và hàng tồn kho chỉ chiếm khoảng 30% tổng số các đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam, thấp hơn đáng kể so với các thị trường phát triển hơn.

Ông Julius Caesar Parrenas, Điều phối viên của Diễn đàn Tài chính châu Á – Thái Bình Dương thuộc Hội đồng Tư vấn DN APEC (ABAC), cho rằng cần thiết lập một hệ sinh thái cho tài trợ chuỗi cung ứng tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi hoạt động thương mại đang rất phát triển.

“Các nhà sản xuất và nhà cung cấp Việt Nam đang rất cần các dịch vụ tài trợ hiệu quả để hỗ trợ cho các giao dịch thương mại với các đối tác toàn cầu”, ông Julius bày tỏ.

Lap-khoang-trong-tai-tro-chuoi-5768-2503

Các DNNVV Việt Nam đang khát vốn khi tham gia chuỗi cung ứng

Hướng tới chính sách ưu tiên

Ở góc độ quản lý, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết việc mở rộng tài trợ chuỗi cung ứng là một giải pháp hữu ích nhằm giúp các thành viên trong chuỗi cải thiện khả năng cạnh tranh, thu được lợi ích tối đa và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát được dòng tiền, làm cơ sở mở rộng tín dụng đối với khách hàng tham gia chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, theo bà Giang, hiện nay, việc tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn gặp khó khăn do số liệu, hệ thống thông tin tài chính của DN thiếu minh bạch. Năng lực quản trị DN còn hạn chế khi tham gia các chuỗi cung ứng, nhất là các chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, ở trong nước cũng chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên sâu về khách hàng và sàn giao dịch điện tử cho tài trợ chuỗi cung ứng.

Ông Christopher Wohhlert, Giám đốc bộ phận Tài trợ thương mại cho bên phân phối của Wells Fargo (công ty dịch vụ tài chính toàn cầu của Mỹ), đưa ra lời khuyên cho Việt Nam là nên hướng tới những chính sách ưu tiên trong tài trợ chuỗi cung ứng, nhất là cải cách các giao dịch bảo đảm trong hợp đồng tín dụng nhằm mang lại lợi ích cho DN.

Đặc biệt là cần mở rộng thị trường cho vay, hướng đến sử dụng các loại tài sản thế chấp khác bên cạnh bất động sản. Chẳng hạn, có thể thế chấp trên khoản phải thu, thiết bị, hàng tồn kho… Điều đó đưa đến các hình thức cho vay mới như bao thanh toán, tài trợ chuỗi cung ứng, tài trợ kho hàng, cho vay dựa trên tài sản…

Ông Jinchang Lai, Trưởng nhóm Cơ sở hạ tầng tài chính khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Chuyên gia trưởng Khu vực Tài chính thuộc Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), lưu ý khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các công ty của Việt Nam đang gặp áp lực tiền mặt rất lớn. Đây là thời điểm mà DN đang cần hơn bao giờ hết trong việc tham gia tài trợ chuỗi cung ứng, sẽ khó có giải pháp cho chuyện này nếu không có sự cải cách giữa các bên liên quan.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia của IFC cũng chỉ rõ là hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có một hiệp hội hay liên minh DN nào liên quan đến hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng. Vì vậy, rất cần những DN tiên phong nhằm tận dụng thị trường.

Hơn nữa, Chính phủ nên tiếp tục năng động hơn trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng thị trường tài trợ chuỗi cung ứng và tài trợ thương mại, qua đó giúp các DNNVV trong hoạt động xuất khẩu.

Thế Vinh