Lại xảy ra thảm họa lở núi – Người dân và chính quyền địa phương không thể lơ là, mất cảnh giác!

13:10 29/10/2020

Tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vừa xảy ra 2 vụ lở đất núi khiến 53 người bị vùi lấp, trong đó 45 người ở thôn 1, xã Trà Leng và 8 người ở thôn 1 xã Trà Vân. Tai nạn thảm khốc xảy ra khi các nơi đang thực hiện rất tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống cơn bão số 9. Vậy, trước khi xảy ra tai nạn thảm khốc trên, lãnh đạo địa phương đã làm gì để ngăn ngừa nguy cơ sạt lở núi?

Trước cơn bão số 9 sắp đổ bộ vào nước ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo rất quyết liệt về việc phòng chống bão, trong đó, chỉ đạo cụ thể cho các ngành, các cấp, các địa phương kiểm tra những vị trí xung yếu, buộc người dân phải sơ tán khỏi những vùng nguy hiểm.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở núi tại Nam Trà My (Quảng Nam); Ảnh: Huy Đạt (Báo Thanh Niên).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương đã vào cuộc hết sức khẩn trương. Có lẽ, chưa bào giờ, lực lượng phòng chống bão lụt của nước ta ra quân nhanh chóng; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng hiểm họa thiên tai sâu sát, quyết liệt như ứng phó trước cơn bão số 9 vừa rồi. Trong đó, điểm nổi bật nhất là sơ tán hàng trăm ngàn người dân tới vị trí an toàn. Và kết quả rất vui mừng: Số người dân thiệt mạng do bão lũ giảm rất nhiều so với với các trận bão lũ trước đây.

Thế nhưng, đúng vào lúc bão số 9 kèm mưa lớn đang hoành hành thì tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 2 vụ lở đất núi khiến 53 người bị vùi lấp, trong đó 45 người ở thôn 1 xã Trà Leng và 8 người ở thôn 1 xã Trà Vân.

Vậy, thử hỏi, trước khi xảy ra tai nạn thảm khốc nêu trên, lãnh đạo địa phương đã làm gì để ngăn ngừa nguy cơ sạt lở núi? Như chúng ta đã biết, tại mỗi địa phương, từ thôn bản, tới xã, huyện... đều có hệ thống chính trị. Mỗi thôn bản, chúng ta có chi bộ Đảng (có nơi chi bộ gộp các thôn); có trưởng thôn bản, có chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, chi hội cựu chiến binh v.v.; cấp xã, huyện cũng vậy. Người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị địa phương đều được hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; mọi chỉ thị của cấp trên đều triển khai tới các địa phương để tổ chức thực hiện. Vậy, trước cơn bão số 9, chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ về công tác phòng chống, ứng phó với mưa bão có tới được người dân địa phương này hay không? Trong khi các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhật nhân dân các nơi thực hiện các biện pháp ứng phó với bão lũ, chằng chống nhà cửa, đi sơ tán v.v. vì sao người dân Trà Leng, Trà Vân mất cảnh giác dẫn đến hậu họa này? Phải chăng lãnh đạo địa phương đã thiếu kiểm tra, không phát hiện ra những điểm nguy cơ sạt lở hay đã biết nhưng không có biện pháp mạnh để buộc dân sơ tán tới vị trí an toàn?

Đây là sự cố mang tính chất lặp lại. Trước đó, rất nhiều vụ sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh miền núi nước ta; vùi lấp, làm chết nhiều người. Để ngăn chặn tình trạng này, từ nhiều năm nay, trước nguy cơ xảy ra thiên tai, Thủ tướng đã phát đi công điện tới các ngành, các cấp chỉ đạo phòng chống mưa lũ, nguy cơ sạt lở núi nhưng tại nhiều địa phương, người dân và chính quyền địa phương vẫn lơ là, mất cảnh giác, dẫn đến thảm họa thảm khốc.

Đã có quá nhiều tại nạn thảm khốc do sạt lở núi rồi! Đã có nhiều bài xọc xương máu rút ra từ các tai nạn sạt lở núi rồi! Trong khi tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu ngày càng phức tạp. Diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan; mưa bão, hạn hán, nước biển dâng cao, nguy cơ sạt núi, lở đất khó lường. Đã đến lúc người dân và các cấp chính quyền địa phương không thể chủ quan được nữa!. Đã đến lúc, cần phải xử lí nghiêm khắc với những người vô trách nhiệm, dẫn đến tai họa cho dân để răn đe, ngăn ngừa những hiểm họa do thiên thiên gây ra.

Minh Cao