[Infographic] Bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020

14:21 29/10/2020

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước, đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường và ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.

Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, CPI khu vực thành thị tăng 3,29%, khu vực nông thôn tăng 4,13% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản 10 tháng năm 2020 tăng 2,52% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng cục Thống kê cho biết, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 6 nhóm hàng tăng giá: đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,06%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,29%... Có 4 nhóm hàng giảm giá gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%, giao thông giảm 0,08%, bưu chính viễn thông giảm 0,03%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,18%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình có mức giá ổn định.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho hay, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 10/2020 là trong tháng, có 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Theo đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 1,52% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,08%.

Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng từ bão số 6, số 7 và số 8, các tỉnh miền Trung hứng chịu 3 đợt lũ liên tiếp vượt qua đợt lũ lịch sử năm 1979 và năm 1999. Mưa lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng về con người và tài sản. Theo đó, thiệt hại đến hoa màu làm cho giá rau tươi chung cả nước tháng 10/2020 tăng 1,86% so với tháng trước, tác động đến CPI chung tăng 0,04%.

Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới diễn biến thất thường do nhiều luồng thông tin trái chiều trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ và dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. 

Chỉ số giá vàng tháng 10/2020 giảm 1,1% so với tháng trước; tăng 30,91% so với tháng 12/2019 và tăng 29,63% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào chăm sóc, thu hoạch lúa mùa, lúa thu đông trên cả nước và gieo trồng cây màu vụ đông ở phía Bắc. Điều kiện thời tiết không thuận lợi đã gây ngập lụt làm một số diện tích lúa và hoa màu bị mất trắng hoặc không thể gieo trồng; nhiều gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, giá cá tra trong tháng đã tăng sau 9 tháng liên tiếp ở mức thấp, giá tôm ổn định trở lại do thị trường xuất khẩu đang dần được khôi phục.

Trước tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kì năm trước.

Tình hình đăng kí doanh nghiệp tháng 10 khởi sắc so với tháng trước. Số doanh nghiệp đăng  thành lập mới trong tháng 10/2020 tăng 18,4% so với tháng 9/2020, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4%.

Tính chung 10 tháng đầu năm, cả nước có gần 111.200 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,9% so với cùng kì năm trước, quy mô vốn đăng  bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,3 tỉ đồng, tăng 14,4%

Mặc dù dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó điểm sáng là đóng góp của khu vực kinh tế trong nước. 

Trong tháng 10, thương mại trong nước tiếp tục xu hướng tăng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kì năm trước. Hoạt động vận tải tăng 2,9% về lượng hành khách vận chuyển và 3,7% về lượng hàng hóa vận chuyển.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 7,6% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 99,1% so với cùng kì năm trước do Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế.

[Infographic] Bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm 2020 - Ảnh 4.

Thiên tai xảy ra trong tháng 10 chủ yếu là bão, mưa lớn, sạt lở, lốc xoáy tại một số địa phương làm 153 người chết và mất tích, 222 người bị thương; 111.900 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng; 3 nghìn con gia súc và 600,5 nghìn con gia cầm bị chết; 45.000 ha lúa và 22.300 ha hoa màu bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 2.700 tỉ đồng.

PV