Gọi vốn ngoại, không thể ngồi chờ 'đại bàng tới làm tổ'

00:00 12/10/2020

Việc thành lập tổ công tác đặc biệt thu hút FDI chỉ là bước đầu trong quá trình mời gọi nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam.

Vấn đề làm sao để Việt Nam đón được làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc tiếp tục đưa đưa ra bàn luận tại Hội thảo "Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 1/6.

Cần chủ động tìm nhà đầu tư

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), cho biết xu hướng dịch chuyển của FDI khỏi Trung Quốc đã hiện hữu từ lâu (Trung Quốc +1). Tuy nhiên, xu hướng này rõ hơn trong thời gian gần đây do suy giảm kinh tế ở Trung Quốc, chi phí lao động ở Trung Quốc tăng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cạnh tranh từ một số nước ASEAN và Ấn Độ.

don-von-ngoa-khung-vao-VN-2099-159100154

Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa trong việc mời gọi nhà đầu tư (Ảnh: TL)

Theo ông Dương, đại dịch Covid-19 chỉ khiến nhà đầu tư dịch chuyển nhanh hơn. Tuy nhiên, dù có chuyển sang ASEAN hay không, nhà đầu tư nước ngoài cũng không bỏ "hết trứng vào một giỏ".

Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa trong việc mời gọi nhà đầu tư vào Việt Nam.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc chiến thắng đại dịch Covid-19 đang giúp vị thế của Việt Nam được nâng cao trên thế giới. Việt Nam được biết đến là quốc gia có môi trường kinh doanh ổn định, quản trị nhà nước tốt, đặc biệt việc ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) giúp Việt Nam có lợi thế tiếp cận thị trường EU mà nhiều đối thủ trong khu vực không có.

Tuy nhiên, cơ hội chỉ là cơ hội nếu Việt Nam không nhanh chân, quyết tâm đón lấy làn sóng này. Vì thế, Việt Nam cần phải làm mới mình.

"Việt Nam phải thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh từ tháo gỡ khó khăn sang tạo thuận lợi. Đây mới là tiền đề cho mọi vấn đề. Chất lượng điều hành và sự thuận lợi trong thủ tục hành chính là điều các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu, hơn là các con số giấy phép được loại bỏ", ông Tuấn khuyến nghị.

Dẫn chứng từ Trung Quốc, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết năng lực cạnh tranh của quốc gia này luôn nằm trong top đầu thế giới, luôn đặt mục tiêu là phải thăng hạng trên bảng xếp hạng về cải thiện môi trường kinh doanh qua từng năm.

Vì vậy, muốn thu hút được vốn ngoại từ Trung Quốc, Việt Nam cần tích cực trong chủ động, chứ không phải tích cực trong bị động. "Việt Nam đã lập tổ công tác đặc biệt để thu hút FDI, đây là hành động tốt. Sắp tới, chúng ta cần chủ động săn nhà đầu tư, kêu gọi họ vào Việt Nam chứ không đơn thuần là dọn chỗ, để họ nhìn thấy và đi vào", ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Ts.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM, nhận định dòng đầu tư đang dịch chuyển nhưng nếu không chủ động là chúng ta không nắm, không tận dụng được.

"Việt Nam phải tăng tốc cải thiện chính mình, phải mời gọi, săn được họ vào", ông Thành lưu ý.

Không quên củng cố nội lực

Nhấn mạnh tới điểm nghẽn ứng xử với nhà đầu tư, theo Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM Nguyễn Anh Dương, việc ứng xử với nhà đầu tư không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết. Để thu hút FDI có hiệu quả vào các lĩnh vực quan tâm, Việt Nam cần để ý đến ban hành các tiêu chuẩn.

Mặt khác, cần phải cải thiện các chỉ số trên bảng xếp hạng. Về hạ tầng số, xếp hạng sẵn sàng công nghiệp của EIU cho thấy Việt Nam đứng thứ 65 (2018 - 2022) so với thứ 67 (trong 2013 - 2017), trong đó cải thiện bao trùm về internet vẫn là yêu cầu cần thiết.

Cùng với đó, CIEM khuyến nghị cải thiện kỹ năng và năng suất lao động. Năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện so với yêu cầu, khả năng thích ứng với điều kiện làm việc trong chuỗi giá trị, khả năng thích ứng với điều kiện biến động (làm việc trực tuyến...).

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút "đại bàng đến làm tổ", Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân trong nước, từ đó giúp doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất của khối ngoại.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, gia tăng giá trị trong nước không còn là yêu cầu để tạo việc làm và thu nhập, mà còn là cách thích ứng với sự vận động của chuỗi giá trị. Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ cần nỗ lực của doanh nghiệp trong nước mà vẫn cần cách thức tiếp cận thân thiện và bền chặt với FDI.

Ts. Võ Trí Thành lưu ý trong hàng loạt thay đổi để thu hút FDI, chúng ta không được quên việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp dân tộc. Đây là nhiệm vụ quan trọng để Việt Nam tự cường, tự chủ.

Hàng loạt số liệu cho thấy kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào FDI, các doanh nghiệp FDI chiếm giá trị xuất khẩu lớn. Ts. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, đặt vấn đề: "Nếu không cẩn thận, FDI vào Việt Nam nhưng sử dụng công nghệ lạc hậu, chỉ tận dụng lợi thế thị trường, lao động, thâm dụng tài nguyên... Đến chừng mực nào đó, họ chuyển đi, chúng ta còn lại gì?".

Vì vậy, cần xem xét đặc biệt đến cơ chế thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp tư nhân. "Việt Nam cần nghiên cứu đưa ra các dự báo sớm cho nền kinh tế trong ngắn, trung hạn về xu hướng toàn cầu hóa và các cuộc chơi lớn. Có dự báo sớm, chúng ta càng thắng lớn, nếu không sẽ ngược lại", nguyên Viện trưởng CIEM lưu ý.

Theo ông Bá, điều quan trọng nhất là Việt Nam hiện vẫn là phải thay đổi thể chế kinh tế. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình về sự chuyển đổi thể chế kinh tế, từ một nước nghèo, thu nhập thấp đã trở thành một con rồng châu Á thực sự. "Đây là thành công đáng để chúng ta học tập", ông Bá nói.

Thu hút FDI gần 14 tỷ USD nhưng không vội lạc quan

Tổng cục Thống kê cho biết tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn FDI vào Việt Nam suy giảm so với cùng kỳ nhưng trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, đây là động thái tích cực.

Tuy nhiên, Ts. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách nêu quan điểm: Việt Nam cần có một chiến lược thu hút đầu tư FDI phù hợp với sự thay đổi trật tự kinh tế thế giới trong 30 năm tới. Trong đó, chiến lược vạch ra đường đi, hướng đi rõ ràng. "Nếu không thay đổi mạnh mẽ, Việt Nam vẫn sẽ thu hút được FDI nhưng sẽ chỉ nhận được một vài giọt mưa trong cơn mưa lớn", ông Thành ví von. Việt Nam đang có lợi thế thu hút dòng vốn ngoại, nhưng cũng phải cạnh tranh với Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan... Indoneisa không giấu tham vọng trở thành một "thỏi nam châm" hút vốn hậu Covid-19. Chính phủ nước này đã ban hành chính sách giảm thuế mạnh tay để giúp vực dậy ngành công nghiệp ô tô trong nước, từ đó thu hút các doanh nghiệp ô tô toàn cầu.

Hay FDI đóng vai trò hết sức quan trọng đối với Ấn Độ. Theo chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2019 - 2024, Ấn Độ đang cần khoảng 1.000 tỷ USD vốn đầu tư để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, Ấn Độ đang đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển (R&D), được xem là một trong số các quốc gia có lực lượng lao động lành nghề nhất trong nhóm các nước đang phát triển.

Lê Thúy