Giải pháp liên kết thúc đẩy hành động vì hàng Việt

00:00 12/10/2020

Tại Hội thảo khoa học “Liên kếthành động vì hàng Việt” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết: “Câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong thời gian tới đạt được kỳ vọng như mong muốn? Để trả lời câu hỏi này, đòi hỏi sự tham gia suy nghĩ và hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có những chuyên gia, những nhà hoạch định chính sách và sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cùng người dân cả nước.

Hội thảo khoa học “Liên kết- hành động vì hàng Việt” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức.

Xây dựng hệ thống bán lẻ thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

Cũng theo TS Nguyễn Văn Thân, mặc dù có được nhiều thành tựu, thành công đáng kể, nhưng đểđạt được mục tiêu đề ra, Cuộc vận động người việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại. Với đặc điểm nền kinh tế nước ta có hơn 96% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm trên 62%. Những khó khăn mà doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong quá trình hoạt động có thể kể đến như khả năng tiếp cận vốn thấp, mức thuế và phí cao, thủ tục hành chính rườm rà… chính là những hạn chế trở ngại phần nào ảnh hưởng đến kết quả Cuộc vận động thời gian qua.

Tính đến nay, Việt Nam là một trong những nước hội nhập sâu rộng nhất thế giới, với 13 Hiệp định Thương mại tự do FTAs đã ký kết, trong đó 12 FTAs có hiệu lực. Chúng ta có quan hệ FTA với gần 100 đối tác trên thế giới, với cả 5 cường quốc kinh tế lớn nhất, với tất cả các nước G20 và trải dài trên cả bốn châu lục. Việc ký kết những Hiệp định Thương mại tự do sẽ đem lại rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàn hóa ra thế giới, với mức thuế cam kết giảm xuống 0-5%. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước, gây sức ép không nhỏ đến những nhà bán lẻ nội địa, hàng hóa của doanh nghiệp trong nước bị giảm thị phần. 

Theo Tiến sĩ Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Đảng, Nhà nước cần tập trung rà soát, ban hành, bổ sung các cơ chế, bãi bỏ thủ tục hành chính còn chồng chéo, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh hàng hóa nội địa, nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa và tiêu dùng. Xây dựng những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn; sản xuất hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao và xây dựng thương hiệu hàng hóa, dịch vụ Việt Nam… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng, góp phần thực hiện thắng lợi Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước tuy đã có những thuận lợi nhất định nhưng vẫn cần phải có thêm nhiều sự ưu đãi, nhất là những doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

 Còn theo ông Trần Tuấn Anh - Phó trưởng ban Phong trào cơ quan Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển mạnh trong những năm gần đây. Như 2018, tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ và hoanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017. Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ, dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Để phát triển hạ tầng thương mại nhằm phát triển bền vững thương mại trong nước thì cần hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi cho việc phát triển các phương thức giao dịch thương mại hiện đại; thu hút đầu tư hoặc xã hội hoá để xây dựng một số chợ đầu mối nông sản, chợ đầu mối có tính chất phân luồng hàng hoá liên kết vùng trong cả nước; triển khai xây dựng hệ thống kho lạnh tại các trung tâm logistics, chợ đầu mối phục vụ việc bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm khắc phục tình trạng được mùa mất giá.

Cần nhiều giải pháp liên kết thúc đẩy hành động vì hàng Việt

Tập trung vào chất lượng sản phẩm và ứng dụng công nghệ

Vấn đề người Việt Nam tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam là điều tất yếu trong quá trình phát triển, đây cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, hiện nay đã đến lúc chúng ta phải chuyển kêu gọi người tiêu dùng sử dụng hàng Việt từ lòng yêu nước sang dùng vì chất lượng sản phẩm thực sự tốt. Hàng Việt phải chinh phục người tiêu dùng Việt bằng chính chất lượng sản phẩm. Muốn làm được điều này, ông Phong cho rằng, cần thay đổi tư duy chống phân biệt nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài. Nhà sản xuất phải chống phân biệt thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Chống phân biệt người tiêu dùng Việt và người tiêu dùng nước ngoài. Các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay dường như vẫn còn tư duy coi trọng khách hàng ngoại hơn khách hàng nội. Có một thực tế là nhiều sản phẩm đưa đi xuất khẩu thì chất lượng, tiêu chuẩn cao hơn nhiều sản phẩm bán trực tiếp ở trong nước, điều này minh chứng rằng chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất, cung cấp những sản phẩm chất lượng cao.

“Vì vậy, cần bỏ tư duy chỉ hàng tốt mới xuất khẩu, hàng trong nước là không xuất khẩu được. Hàng hóa ở trong nước phục vụ người Việt phải là những hàng tốt nhất, đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng với những tiêu chuẩn cao nhất mà chúng ta có thể làm. Đồng thời cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cho hàng Việt, nâng cấp từ tiêu chuẩn doanh nghiệp lên tiêu chuẩn quốc gia. Đặc biệt, các tiêu chuẩn này phải hướng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Các Bộ, cơ quan chức năng đốc thúc nâng cấp, hướng tới chuẩn chất lượng cao. Đồng thời xây dựng hàng rào kỹ thuật, ngăn chặn hàng hoá chất lượng thấp vào bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam. Nhà nước cần phải có vai trò và chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; phải kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, hàng hoá và việc tuân thủ của doanh nghiệp; chống gian lận thương mại, làm giả xuất xứ hàng hóa”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong kiến nghị.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu, các nhà bán lẻ trong nước thiếu thốn từ vốn đến con người, trang thiết bị và thông tin để cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia và xuyên quốc gia. Trong số các doanh nghiệp tại Việt Nam, 98% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản
xuất ra phần lớn hàng tiêu dùng Made in Vietnam. Nhưng đây cũng là thành phần kinh tế gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn kinh doanh. Chính phủ đã có những chính sách thuế ưu đãi, quỹ hỗ trợ và quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại các ngân hàng, nhưng những hỗ trợ đó còn rất hạn chế. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, một trong những giải pháp vốn điển hình là hình thức cho vay ngang hàng P2P Lending, qua đó các công ty Fintech kết nối nhà đầu tư với doanh nghiệp vay vốn qua ứng dụng công nghệ thông tin. Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty P2P Lending có hoạt động được xem là đáng tin cậy.

“Đây là hình thức tiếp cận vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận. Ngoài ra, chúng ta chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền, cần phải phổ biến hơn nữa những lợi thế cho việc tiêu dùng hàng Việt Nam trên tất cả phương tiện thông tin đại chúng. Hệ thống công nghệ thông tin hiện đại ngày nay với sự kết nối gần gũi tất cả mọi người, giúp việc truyền tải thông tin thuận lợi hơn nhiều. Việt Nam hiện có 140 triệu thuê bao di động, hơn 70% người dân sử dụng điện thoại, thuộc nhóm quốc gia sử dụng điện thoại di động hàng đầu châu Á, đây là một kênh quảng bá truyền tải thông tin cực kỳ thuận lợi và dễ dàng.

TS Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt NamChúng ta cần đi tìm câu trả lời cho 3 câu hỏi: Người bán hàng quyết định, người mua hàng quyết định hay nhà sản xuất quyết định sự phát triển của hàng Việt? Đây là câu hỏi khó trả lời. Ví dụ ở vùng sâu, vùng xa thì người bán hàng quyết định, còn sự lựa chọn của người tiêu dùng rất ít, muốn mua hàng thì phải về Hà Nội mua. Nhưng ở Hà Nội thì người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, nên người bán hàng không quyết định được, mà phải là người sản xuất với cam kết rất cao về chất lượng và giá cả.

Luật sư Lê Anh Văn- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt NamChuỗi liên kết ngành là hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và doanh nghiệp tổ chức có liên quan cùng hợp tác và cạnh tranh phát triển ngành, giúp thúc đẩy hợp tác kết nối giữa các doanh nghiệp và chủ thể có liên quan tại một vùng địa lý trong phát triển một ngành nhất định. Thực tế hiện nay tại Việt Nam cụm liên kết ngành chưa hề có, như ngành công nghiệp ô tô, nhà sản xuất khi muốn mua một sản phẩm đều phải mua rất rời rạc chứ không có sự tập trung cung cấp. Về chuỗi phân phối sản phẩm tại Việt Nam chủ yếu là do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phân phối sản phẩm, doanh nghiệp nội chưa hình thành nên một chuỗi phân phối hiện đại bài bản nào. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ cho những nhà làm chuỗi, có những ưu đãi hỗ trợ nhất định cho doanh nghiệp xây dựng chuỗi. Thúc đẩy hình thành nhiều chuỗi liên kết và nâng cấp chuỗi giá trị ngành là thúc đẩy quá trình chuyển dịch nền kinh tế sang một bước phát triển cao hơn

Ông Nguyễn Hữu Đường phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Hữu Đường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa BìnhHiện nay các trung tâm thương mại đạt tiêu chuẩn của Việt Nam đến 90% là do các tập đoàn nước ngoài nắm giữ và chi phối. Các trung tâm thương mại nội địa thì gần như không có người thuê mặt bằng để bán hàng do giá cho thuê mặt bằng cao. Trong khi đó, hàng hóa của Việt Nam sẽ khó khăn khi đưa ra thị trường vì mẫu mã, hình thức và chất lượng không bằng hàng nhập khẩu, trong khi giá thành sản xuất lại cao hơn hàng nhập, cũng như chi phí marketing, bán hàng... đều cao.Nếu không có địa điểm tốt cho các doanh nghiệp Việt giới thiệu và bán các sản phẩm của mình thì họ sẽ rất khó tồn tại và phát triển, nguy cơ bị giải thể hoặc phá sản là rất lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để oanh nghiệp Việt Nam tồn tại và phát triển được thì một trong những điều kiện quan trọng là cần phải có địa điểm cho doanh nghiệp giới thiệu và bán sản phẩm họ sản xuất ra. Mỗi tỉnh, huyện cần có ít nhất 1 trung tâm thương mại để bán các mặt hàng thiết yếu do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra.
Bà Thanh Hương- Chủ một hệ thống bán lẻ: Cần có một mảnh ghép chung giữa ba người: Người mua, người sản xuất và người bán, vì cả bangười đều mang tính quyết định đến thành công Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt. Mảnh ghép ở đây chính là sự kết nối chặt chẽ giữa những doanh nghiệp với nhau tạo nên sự đoàn kết thành một khối thống nhất mạnh mẽ cạnh tranh trực tiếp sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Những nhà thương mại, những nhà hoạch định chính sách, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chính là những nhà kiến tạo giúp cho sự gắn kệt này chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Ngoài ra, vấn đề chính sách, môi trường minh bạch, trong sạch bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước hoạt động cũng là điều vô cùng cần thiết. Nhà nước tạo ra môi trường minh bạch, trong sạch, bình đẳng cho người sản xuất Việt Nam thì tự nhiên sẽ có hàng tốt và tự nhiên người Việt Nam sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Ngọc Thái