Doanh nghiệp vẫn ngóng môi trường kinh doanh

00:00 12/10/2020

Doanh nghiệp tư nhân trong nước phản ánh chưa cần Nhà nước hỗ trợ tiền hay đất đai, mà điều cần nhất là cơ chế chính sách bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.

Tại diễn đàn về hội nhập kinh tế mới đây, đại diện một doanh nghiệp (DN) bày tỏ băn khoăn lớn nhất của mình là Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng Nhà nước có chính sách gì để DN nội cạnh tranh được với DN ngoại (khối ngoại đang chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực).

Tạo cạnh tranh sòng phẳng

Theo cộng đồng DN trong nước, nhiều ngành kinh tế thiếu vắng các DN lớn của Việt Nam, thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. Trước sự manh mún của hệ thống DN Việt Nam, DN thấy rằng Nhà nước nên tạo điều kiện để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân trong một số ngành cụ thể, qua đó tận dụng được lợi thế trên “sân nhà” và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FIIN Group, chia sẻ hệ thống DN Việt Nam rất đông và phát triển, tuy nhiên quy mô nhỏ, manh mún. Rất ít DN Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. DN gặp bất lợi khi tiếp cận thị trường đất đai, vốn…, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng.

Theo ông Thuân, trước đây chúng ta luôn đề cập về vấn đề chính sách bất bình đẳng giữa DN tư nhân và DN Nhà nước, nhưng nay công bằng giữa DN tư nhân trong nước và DN FDI mới là vấn đề cần được đặt ra.

“Không có lý gì mà DN FDI được hưởng nhiều ưu đãi, thuê đất giá rẻ. Trong khi đó, một số DN FDI lại luôn tìm cách chuyển giá để né nghĩa vụ đóng thuế”, ông Thuân chia sẻ.

Đáng chú ý, gần đây, khi đánh giá về mức độ cạnh tranh bình đẳng trong môi trường kinh doanh giữa các thành phần DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt ra 3 câu hỏi đối với cộng đồng DN: Chính quyền có đang ưu ái DN nhà nước? Chính quyền có đang ưu ái DN FDI? Chính quyền có ưu ái DN tư nhân sân sau?

Kết quả khá bất ngờ: 38% trả lời có ở câu 1; 40% trả lời có ở câu 2 và 73% trả lời có ở câu 3.

Như vậy, mối đe dọa lớn nhất đến sự phát triển của các DN tư nhân trong nước lại không phải là DN nhà nước hay DN FDI, mà chính là các DN tư nhân sân sau hoặc thân hữu đang móc ngoặc, thông đồng với các quan chức trong hệ thống để thu lợi trên nền tảng của công.

Mở rộng vấn đề về cạnh tranh bình đẳng, Ts. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá DN luôn cần một môi trường cạnh tranh đàng hoàng, minh bạch khi tiếp cận với thị trường vốn, đất đai, tài chính. Nguyên tắc thị trường sòng phẳng, “bất kỳ anh là ai, là đại gia hay DN vừa và nhỏ”.

Ông Thành cho rằng lâu nay pháp luật quy định rất rõ ràng nhưng do ứng xử, do lợi ích ngân sách, tăng trưởng của địa phương nên đôi khi quan chức có vẻ ưu đãi hơn với “ông to – nhiều tiền lắm của” vì điều này đồng nghĩa địa phương sẽ phát triển nhanh hơn, ngân sách thu nhiều tiền hơn. Hay bên cạnh đó là tư tưởng “o bế” DN nhà nước vẫn còn.

Về phần DN FDI, ông Thành cho rằng lâu nay chúng ta vẫn nói chính sách ưu ái FDI nhưng có cái đúng, cái chưa đúng. Cũng như mọi nước, Việt Nam mở cửa nhưng không phải lĩnh vực nào 100% DN nước ngoài cũng có thể vào hết. Nếu công bằng mà nói, không phải tất cả lĩnh vực đều ưu đãi DN FDI, nhưng cũng phải thừa nhận nhiều khi ứng xử của bộ máy hành chính dường như thường ưu ái cho khối ngoại.

Theo Ts. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng thị trường quan trọng bậc nhất của kinh tế thị trường là DN, trong đó có DN tư nhân, nhưng DN tư nhân vẫn còn bị kì thị, phân biệt, vẫn dành những ưu đãi cho những lực lượng khác, ví dụ như DN FDI. Rồi cách tiếp cận giữa DN nhà nước và DN tư nhân chưa thật sự công bằng.

Sự nỗ lực từ hai phía

Ông Thiên đánh giá cách làm thể chế của chúng ta vẫn theo kiểu tháo gỡ, chỉnh sửa một vài giải pháp đang bất hợp lý chứ không phải là chỉnh sửa hệ thống. Như vậy không thể nào có tác động căn bản, thậm chí còn gây khó khăn hơn bởi luật chồng luật, làm cho xung đột các điều khoản giữa chính sách này với chính sách khác.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, tạo điều kiện cho sự phát triển của DN thì phải xây dựng một hệ thống thể chế chính sách làm bệ đỡ cho sự phát triển của DN. Một Chính phủ kiến tạo phải xây dựng được một hệ thống chính sách công nghiệp hợp lý để có thể định hướng sự phát triển của nền kinh tế. Phải tiến hành cải cách thủ tục hành chính để thực sự giải phóng được cho các DN giải phóng các nguồn lực trong nền kinh tế.

30 năm qua là hành trình không biết mệt mỏi của Nhà nước trong gỡ bỏ rào cản, giải phóng sức của người dân và DN. Trong giai đoạn phát triển mới, sự nỗ lực của Nhà nước, Chính phủ và sự lãnh đạo của Đảng, cần tập trung vào thúc đẩy sự phát triển của DN chứ không phải chỉ cởi trói. DN cần sự ghi nhận, tôn trọng, tôn vinh của xã hội, cần được bảo vệ và khuyến khích phát triển. Hệ thống thể chế cần đạt được yêu cầu đó.

Năm 2018, Chính phủ đã cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng điều quan trọng không chỉ nhắc đến số lượng của các thay đổi, mà cần tính đến chất lượng của thể chế. Những cải cách phải chú ý đến triển khai một cách thực chất hơn. Mặc dù có nhiều nỗ lực, song so với các nền kinh tế lớn vẫn còn cách rất xa về môi trường, năng lực cạnh tranh. Việt Nam phải đạt được ngưỡng trung bình của ASEAN 3 hoặc ASEAN 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

“Từ thực tiễn cho thấy khoảng cách rút ngắn về môi trường kinh doanh với các nước ASEAN là chưa đáng kể và cần sự phát triển bứt phá nếu Việt Nam không muốn rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta chỉ có thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu không hài lòng với chất lượng thể chế trung bình”, ông Lộc chia sẻ.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Ngô Công Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho hay khi đi đàm phán các FTA, đoàn đàm phán của Việt Nam luôn cố gắng tạo dư địa bảo vệ DN trong nước, những ngành nào nhạy cảm sẽ có lộ trình cắt giảm thuế lâu hơn; lĩnh vực dịch vụ hay đầu tư quan ngại có bảo lưu cần thiết. Trong thời gian này, DN Việt cần cố gắng chuyển mình, để nâng cao sức cạnh tranh, tránh tình trạng như ngành mía đường.

Theo đúng lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), sau 2 năm trì hoãn, từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên, dường như ngành mía đường trong nước vẫn chưa chuẩn bị cho sự cạnh tranh này, vì vậy đang xin lùi lại thêm thời gian nữa. Nếu chấp nhận yêu cầu này, tức là chúng ta vi phạm cam kết.

“Rõ ràng, để nâng cao sức cạnh tranh, chúng ta cần sự cố gắng từ hai phía, Chính phủ cố gắng tạo ra dư địa cần thiết cho DN cải cách mình, trong thời gian này, DN cũng cần phải vận động để lớn lên”, ông Khanh nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Tạo môi trường thuận lợi cho DN vẫn là yêu cầu quan trọng nhất. Chúng ta mở cửa, các DN nước ngoài có thể vào đây cạnh tranh với DN nội ngay trên sân nhà. Nhưng nếu hệ thống thể chế vẫn trói buộc, chưa thực sự giải phóng, thúc đẩy DN thì chính DN Việt Nam sẽ thua thiệt trong hội nhập. Đó là yêu cầu rất quan trọng trong nỗ lực cải cách từ trung ương đến địa phương và phải đặt trong cuộc đua toàn cầu về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

Lê Thúy