Doanh nghiệp nợ BHXH: Giải pháp nào bảo vệ người lao động?

00:00 12/10/2020

Thống kê tại Đà Nẵng cho thấy tính đến ngày 30/10/2018 thành phố này đã có gần 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền hơn 180 tỉ đồng.

Con số này được Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hàng chục ngàn người lao động.

Tháng 8/2018, ông Kim San Bong (quốc tịch Hàn Quốc) - người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV TBO VINA (trụ sở tại KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bỏ trốn để lại số nợ lương, nợ BHXH lên đến hơn 12 tỷ đồng của gần 500 công nhân. Dù không phải là mới mẻ, nhưng sự việc làm dấy lên tiếng chuông cảnh báo về tình trạng quyền lợi người lao động (NLĐ) bị xâm hại nặng nề trước thực trạng không ít doanh nghiệp để nợ lương, nợ BHXH.

Trả lời Báo DĐDN, bà Đinh Thị Thanh Hà – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Đà Nẵng cho biết: “Để bảo vệ người lao động, chỉ có một giải pháp hữu hiệu nhất chính là phòng ngừa, đừng để xảy ra sự việc. Vì một khi đã xảy ra, quyền lợi NLĐ rất khó bảo đảm”.

Lý giải điều này, theo bà Hà, nguyên tắc của BHXH Việt Nam là có tiền (đóng đúng, đủ) mới thanh toán chế độ, “khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhà nước không thể bỏ tiền ra để thanh toán chế độ cho NLĐ”.

Công nhân Công ty TNHH TBO Vina tập trung tại Ban tiếp công dân TP. Đà Nẵng hồi cuối tháng 8/2018 để cầu cứu chính quyền

Hiện pháp luật đã trao quyền rất lớn cho BHXH là thanh tra, kiểm tra và chuyển các dấu hiệu vi phạm, kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố với các tội phạm trong lĩnh vực BHXH. Đó là quyền rất lớn và hữu hiệu, vì BHXH được giao quyền thu và chi trả, nên phải tìm mọi cách thu để trả cho người lao động. Được quy định rõ trong BLHS từ năm 2018, nên quyền lực và trách nhiệm của BHXH trước doanh nghiệp và NLĐ là rất lớn – bà Hà cho biết.

Trường hợp Công ty TBO Vina là đầu tiên tại Đà Nẵng nhưng rõ ràng lỗ hổng vai trò quản lý nhà nước của chúng ta chưa chặt chẽ, “quản lý nhà nước đã bị chậm và gần như đã để sự việc kéo quá dài nên hậu quả rất lớn” – theo người đại diện LĐLĐ TP Đà Nẵng.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi cách nào bảo vệ người lao động trước thực trạng doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH, “phòng ngừa” cũng chính là biện pháp đầu tiên được Giám đốc Sở Lao động Thương binh – Xã hội (Sở LĐTB&XH) TP Đà Nẵng – bà Phan Thị Thúy Linh đưa ra. Tiếp theo, là giải quyết trường hợp xảy ra nợ lương, chây ỳ, nợ đọng BHXH. Nếu trường hợp đủ cơ sở pháp lý, BHXH thành phố lập hồ sơ chuyển cho Công an thành phố để điều tra xử lý theo quy định pháp luật- bà Linh cho hay.

Trường hợp người lao động muốn khởi kiện doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội tại Tòa án thì LĐLĐ TP hướng dẫn thủ tục khởi kiện và đại diện cho NLĐ, tập thể NLĐ khởi kiện tại Tòa án”.

Để giải quyết hậu quả từ TBO Vina, UBND thành phố đã tạm ứng kinh phí để đóng tiếp 03 tháng BHTN bị gián đoạn cho NLĐ để được giải quyết BHTN, hỗ trợ cho 90 lao động nữ thai sản không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Cơ quan BHXH TP Đà Nẵng hồi giữa 9/2018 đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý của TBO chuyển Công an thành phố để điều tra, xử lý (để giải quyết BHXH, BHTN).

Đối với nợ lương, BHXH, tháng 11/2018, LĐLĐ TP đã gửi đơn đề nghị Tòa án tuyên bố TBO phá sản, đã làm việc, tham vấn ý kiến Tòa án để chuẩn bị các thủ tục tiếp theo, Giám đốc Sở LĐTB XH TP Đà Nẵng thông tin.

Bà khẳng định đây là trường hợp cá biệt xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng trong thời gian vừa qua.

Hồi tháng 10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có buổi làm việc với LĐLĐ TP, liên quan TBO, ông cho rằng điều quan trọng là phải phát hiện trước, cảnh báo trước “chứ không thể đợi đến lúc họ bỏ chạy mới hay”, vì thực tế tài sản để lại cũng chẳng đủ trả một phần lương nợ.

"Tất cả các ban ngành phát huy mức cao nhất trong quyền hạn, phải nhận thức công tác bảo vệ quyền lợi NLĐ là việc của TP chứ không riêng LĐLĐ. Ai có chức năng thanh tra thì đẩy mạnh thanh tra, tăng mạnh mức xử phạt. Nếu có quy định chuyển qua hình sự, khởi kiện ra toà thì phải làm đến nơi" - ông Thơ đề nghị.