Doanh nghiệp lo ngại mãi vẫn là nhỏ và vừa

00:00 12/10/2020

Đánh giá về việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực – Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VinaSME) cho rằng, nếu Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không được triển khai hiệu quả thì đến năm 2030, về cơ bản, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ không có sự thay đổi.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực – Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VinaSME)

Ông đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian vừa qua?

- Sau 6 tháng triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết quả thu được vẫn chưa như mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp. Thực trạng của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay là doanh nghiệp càng nhỏ thì độ không bền vững càng lớn. Nhỏ bao nhiêu thì càng mau phá sản, mau hết nguồn lực bấy nhiêu. Đây là thực tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nếu Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không được triển khai hiệu quả, các quy định trong Luật này không được triển khai thực chất thì đến năm 2030 về cơ bản sẽ chỉ tạo nên những doanh nghiệp nhỏ và vừa bền vững, không có gì thay đổi.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi thì phải có cơ chế để các doanh nghiệp này tham gia được vào từng công đoạn trong hoạt động thương mại.  Ảnh: Bùi Nụ

Vậy theo ông nếu muốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển được thì cần tập trung vào những điểm nào?

- Theo tôi, để cho cộng đồng này phát triển bền vững thì điều kiện cần cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác hẳn với doanh nghiệp lớn. Vì bản thân các doanh nghiệp lớn đã có tiềm lực, có nguồn lực mạnh. Còn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chỉ hỗ trợ về chính sách thôi là chưa đủ, chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ là chính sách mang tính định hướng doanh nghiệp mà doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chính sách hỗ trợ thiết thực.

Cụ thể, với quy mô doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực yếu thì khó có thể tổ chức sản xuất sạch, xanh và tiếp cận công nghệ mới. Không có một doanh nghiệp nhỏ nào trên thế giới có thể thực hiện được hoàn chỉnh một quy trình từ nghiên cứu, sản xuất,… mà chúng ta phải tạo cho họ một môi trường để họ có thể tham gia được. Nhà nước phải có chính sách khuyến khích, có những nơi để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong sản xuất được thuê hoặc dùng chung các công nghệ mới. Ví dụ, để nhập một thiết bị đảm bảo vệ môi trường thì phải là công nghệ mới, không có cách nào ngoài sử dụng công nghệ mới. Mà công nghệ thì lại cần đến nguồn lực kinh tế, phụ thuộc vào quy mô thị trường của doanh nghiệp, mà nhỏ thì không thể làm được. Vậy có nên chăng Nhà nước nên tập trung hỗ trợ hoặc có thể đầu tư ở dạng công tư phối hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê. Khi đó, mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đăng ký thuê sử dụng 3-5 ngày, chi phí sản xuất được kéo giảm nhờ việc sử dụng chung thiết bị, như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới có đủ sức để tham gia vào thị trường.

Ngay tại Hàn Quốc, những doanh nghiệp nhỏ và vừa không tham gia được chuỗi cũng không có việc để làm và phải rời khỏi thị trường. Đấy là bài học nhãn tiền của Hàn Quốc và chúng ta phải rút được kinh nghiệm từ bài học này.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc tham gia vào chuỗi sản xuất sẽ là cơ hội giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, tạo nguồn lực tốt. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta phải khuyến khích được doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi. Việc tham gia vào chuỗi trên thực chất là doanh nghiệp phải thực hiện được một số cam kết cơ bản. Một là cam kết về chất lượng hàng hóa. Hai là cam kết hậu bán hàng, thời gian và các cam kết khác trong chuỗi. Việc này bao gồm cả các hoạt động gắn kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Như tôi đã nói ở trên, để cam kết được về chất lượng hàng hóa thì phải có công nghệ. Muốn có công nghệ thì doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có những khu dùng chung. Đây là điểm cơ bản, nút thắt trong sản xuất, phân phối thương mại.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi thì phải có cơ chế để các doanh nghiệp này tham gia được vào từng công đoạn trong hoạt động thương mại. Chính từ điều đó mới tạo được ra được sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Ngoài ra, về mặt chính sách nhà nước cần có những khuyến khích, giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển ý tưởng. Vì ý tưởng kinh doanh liên quan đến giá trị gia tăng của sản phẩm. Ví dụ nhà nước nếu cần thiết có thể cho doanh nghiệp khi đăng ký bảo hộ 100%; các nghiên cứu dùng thử trải nghiệm 100%. Nếu tổ chức được những nơi như vậy thì khẳng định doanh nghiệp nhỏ và vừa mới có thể phát triển bền vững được. Nếu không thì 10 năm nữa nó vẫn như hiện nay thôi.

Theo ông, cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào được cuộc cách mạng công nghệ 4.0?

- Hiện nay, chúng ta đang ở một nền tảng công nghệ không hiện đại và muốn tham gia được vào cuộc cách mạng 4.0 thì phải 3.0 tốt, nhưng phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa của mình lại đang ở 2.0. Nói như vậy không phải bi quan nhưng đây là thực tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Vì thế, chính sách của Việt Nam phải rất khác biệt so với thế giới về chính sách lao động. Có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao thì thu nhập của người lao động mới cao được, từ đó mới có nguồn lực để đào tạo được lao động chất lượng cao.

Theo đó, những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có khả năng thay đổi đột phá trong công nghệ cần phải được hỗ trợ ngay. Thứ nhất, nên miễn thuế cho các doanh nghiệp này. Thứ hai là tạo điều kiện cho họ được vào những khu được sử dụng chung các dịch vụ hỗ trợ của nhà nước, được tiếp cận mặt bằng giá rẻ, được hỗ trợ về khảo nghiệm, hỗ trợ về đăng ký sản phẩm hàng hóa.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Thảo (thực hiện)