Dịch chuyển chuỗi cung ứng: Ngành công nghệ nắm bắt cơ hội

08:54 20/11/2020

Việt Nam hiện đứng trước nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn FDI đang dịch chuyển cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối. Trong đó ngành công nghệ của Việt Nam đang có cơ hội đón luồng chuyển dịch sản xuất sản phẩm công nghệ của Mỹ ra khỏi Trung Quốc.

Dây chuyền công nghiệp: Hiệu quả và thách thức trong thời đại 4.0

Ảnh minh họa

Ngành công nghệ Việt thực sự phải chuẩn bị sẵn sàng

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ 8 tháng đầu năm 2020 tăng 19,7%, đạt 46,98 tỷ USD.

Trong đó xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Mỹ tăng trưởng mạnh 83,1% so với cùng kỳ, xếp thứ 2 về kim ngạch, đạt 6,32 tỷ USD, chiếm 13,5% trong tổng kim ngạch. Tiếp sau đó là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 6,19 tỷ USD, tăng 0,5%, chiếm 13,2%.

Những số liệu này chứng tỏ một điều: đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư, sản xuất sản phẩm công nghệ sang Việt Nam. 

Thực tế cũng cho thấy hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam: LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Ngoài ra, Panasonic Việt Nam cũng đang từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới.

Nhưng để đón được luồng gió lành này ngành công nghệ Việt thực sự phải chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng được mọi yêu cầu khắt khe của các nhà đầu tư. Từ lực lượng lao động có tay nghề, chuyên nghiệp, chịu được áp lực và công việc nặng nhọc; đến việc đầu tư cho các dây chuyền và công nghệ sản xuất hiện đại, công nghiệp hỗ trợ hay thỏa mãn các tiêu chuẩn khắt khe và chính sách ưu tiên đầu tư.

Tất cả những yếu tố này đều cần chứng minh bằng thực tế khi mà trong con mắt các nhà đầu tư, Việt Nam hiện chỉ có các nhà máy gia công, lắp ráp và sản xuất kỹ thuật thấp.

Thu hút các “đại bàng” đến làm tổ

Quy trình công nghệ là gì? Thời đại công nghệ trong kỷ nguyên mới

Chính phủ Việt Nam có những chính sách kịp thời và ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ trong nước giúp thúc đẩy nền công nghệ nước nhà 

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng gay gắt và chưa có dấu hiệu dừng lại, làm leo thang căng thẳng chưa từng có giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tác động mạnh mẽ tới kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Việc tác động này về mặt tích cực là cơ hội cho Việt Nam đón luồng gió đầu tư, di dời chuỗi sản xuất công nghệ của Mỹ ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Theo thống kê, hiện có khoảng 50 công ty đa quốc gia, cả trong và ngoài Trung Quốc, đã quyết định hoặc lên kế hoạch di dời toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất. Trong cuộc đại chuyển dịch này, cơ hội cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là tương đương, song Việt Nam có nhiều lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, hoặc như FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ông Frederick R.Burke, chuyên gia kinh tế Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Baker&Mckenzie Việt Nam, nhìn nhận, trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu, Việt Nam dù chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch nhưng các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn cho thấy có nhiều dư địa để làm tốt hơn nữa. Với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, hiệp định RCEP mới được ký kết, đang đàm phán 2 FTA, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.

Thêm vào đó, chính phủ Việt Nam cũng có những chính sách kịp thời và ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp công nghệ trong nước giúp thúc đẩy nền công nghệ nước nhà nhanh chóng bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

LyLy