Theo dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, một hàng hóa được coi là có xuất xứ Việt Nam khi tỷ lệ nội địa hóa hay trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm ít nhất 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó và phải vượt qua khâu gia công đơn giản.
Tuy nhiên, quy định này khiến các chuyên gia lo ngại, doanh nghiệp sẽ dễ dàng “qua mặt” các cơ quan chức năng trong việc dán nhãn Việt Nam. Bởi tỷ lệ hàm lượng giá trị để hàng hóa được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ tại một số quốc gia cao hơn nhiều, ở Thụy Sỹ là 60%, Mỹ là 50%.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ cần đáp ứng VAC 30% là được đối tác công nhận là xuất xứ Việt Nam. Nếu đặt ra ngưỡng cao hơn hoặc bổ sung thêm các điều kiện không khó nhưng nếu vậy sẽ xuất hiện tình huống là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam không công nhận sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình. Một số ý kiến cho rằng, tỷ lệ này ở Thụy Sỹ là 60%, Mỹ là 50%. Tuy nhiên, trong đàm phán, cả Mỹ, Thụy Sỹ hay NHật đều tha thiết đề nghị Việt Nam áp dụng ngưỡng VAC 30% hay chuyển đổi mã số hàng hóa cho tuyệt địa đa số sản phẩm công nghiệp của họ, trừ một số mặt hàng nhạy cảm như may mặc, ô tô.
Sở dĩ trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàng hóa phải đạt hàm lượng giá trị gia tăng là 40% thì được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ, bởi hàm lượng giá trị gia tăng được gọi là hàm lượng giá trị khu vực (RVC). Tên gọi này đã thể hiện tính chất khu vực của quy tắc xuất xứ, tức là cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên.
Ví dụ: với RVC trong ASEAN thì 1 sản phẩm có 20% giá trị gia tăng của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D. Thông tư này quy định chặt chẽ hơn. Theo đó, tỷ lệ giá trị gia tăng 30% nêu tại thông tư là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam.
Với quy định như tại dự thảo thông tư, một số sản phẩm có thể đpá ứng xuất xứ ASEAN và được cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D nhưng chưa chắc đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam.
Thu Hằng