Xuất khẩu vẫn khởi sắc bất chấp thách thức

00:00 12/10/2020

Con số xuất siêu chính thức cho nửa đầu năm nay là 3,36 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với ước tính trước đó là 2,71 tỷ USD. Dự báo cả năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chạm mốc 242 tỷ USD, thặng dư thương mại có thể đạt từ 4,5 đến 5 tỷ USD.

USD.

Nửa đầu năm nay, Việt Nam đã đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 225 tỷ USD.

Việt Nam có thể xuất siêu 5 tỷ USD

Dù có nhiều lo ngại rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hay áp lực về lạm phát, tỷ giá… có thể tác động không nhỏ đến tình hình thương mại và đầu tư tại Việt Nam về nửa cuối năm 2018, tuy nhiên, nhận định của nhiều nhà phân tích tại Hội thảo Hỗ trợ Doanh nghiệp xuất khẩu được tổ chức tại TPHCM ngày 20/7, lại cho thấy một bức tranh kinh tế với gam màu sáng dường như vẫn đang ở thế áp đảo.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, số liệu điều chỉnh mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu của cả nước nửa đầu năm nay cho thấy Việt Nam đã đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 225 tỷ USD, tăng 13% so với nửa đầu năm 2017, tức gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP. Trong đó, xuất khẩu đạt 114,2 tỷ USD, tăng 16,3%; còn nhập khẩu đạt 110,8 tỷ USD, tăng 9,6%.

Như vậy, con số xuất siêu chính thức cho nửa đầu năm nay là 3,36 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với ước tính trước đó là 2,71 tỷ USD. Dự báo cả năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chạm mốc 242 tỷ USD, tức thặng dư thương mại năm 2018 có thể đạt từ 4,5 đến 5 tỷ USD.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, tới 28%, sang Hàn Quốc tăng 33%. Những con số này cực kỳ ý nghĩa trong bối cảnh đây là hai đối tác thương mại mà Việt Nam đang có thâm hụt lớn. Xuất khẩu sang Ấn Độ cũng tăng gấp 2 lần, sang ASEAN tăng hơn 10%, sang Nam Mỹ và EU cũng tăng từ 10-15%...

Một diễn biến khác cho thấy sự linh hoạt trong làm ăn của doanh nghiệp cũng đã trực tiếp đóng góp cho xuất khẩu nói chung. Đó là xu thế doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam rồi bán sang thị trường khác. Đặc biệt là nhập khẩu rau quả từ Thái Lan để xuất đi Trung Quốc.

“Hiện tượng này chứng tỏ doanh nghiệp tại Việt Nam đã thành thạo ‘đi buôn’ hơn, thay vì chỉ lo sản xuất hàng của mình để bán! Đó cũng là lý do khiến Việt Nam có con số xuất khẩu trái cây ấn tượng thời gian qua”, ông Hùng nhấn mạnh, dù trước hiện tượng này cũng đã có những quan điểm đánh giá khác nhau.

Một điểm nữa cũng đáng chú ý, khi xét tới chỉ số HHI - thang đo mức độ tập trung của thị trường xuất khẩu (có giá trị từ 0-1, càng gần 1 càng rủi ro cao) - Việt Nam mới ở khoảng 0,3, chứng tỏ nền xuất khẩu nhìn chung chưa có sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nào.

SMEs sẽ vượt “bão” dễ hơn doanh nghiệp lớn

Hiện hàng hóa Việt Nam đã có mặt tại hơn 200 thị trường trên toàn cầu, với 27 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Theo xếp hạng các nhà xuất nhập khẩu lớn nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam từ Top 50 vào thời điểm năm 2006 đến nay đã vươn lên Top 30, và xếp thứ 3 ở ASEAN. 

Theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng - môi trường sản xuất kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự tốt như kỳ vọng. Trong khi có hơn 64 nghìn doanh nghiệp ra đời nửa đầu năm 2018 thì đồng thời cũng có khoảng 60 nghìn doanh nghiệp phải “ra đi”.

Vậy cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có khiến cho doanh nghiệp trong nước “ra đi” nhiều hơn không?

Và vì sao trong bối cảnh kinh tế vẫn còn ngổn ngang nhiều khó khăn chưa thể “gỡ” hết, môi trường kinh doanh vẫn còn đó những hạn chế về tính minh bạch, về khả năng cạnh tranh yếu kém của đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs)… nhưng các báo cáo tổng quan về xuất nhập khẩu, về thặng dư thương mại, về tăng trưởng GDP vẫn cứ “hồng hào”?

Đáp lại các băn khoăn ấy, nhà tư vấn của Thủ tướng cho rằng “đó là nhờ phần lớn vào ‘công lao’ của khu vực FDI và SMEs, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình”.

Cũng theo TS Trần Đình Thiên, SMEs sẽ khó mà “chết” nhiều hơn nữa. “SMEs cũng như cỏ cây, chỉ phải rạp xuống khi có bão thôi. SMEs ‘không muốn lớn’ cũng có lý do cả. Đó là sự đánh đổi để được an toàn. Những doanh nghiệp ‘cổ thụ’, ‘đại thụ’ khả năng mới phải đối mặt với rủi ro cao khi có bão”, ông Thiên nhận định thêm.

Bàn về biến động của tỷ giá - tác nhân ảnh hưởng trực tiếp lên hoạt động xuất nhập khẩu - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng tin rằng trong cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam đang ở vào tình thế “giữa hai làn đạn”. Tất nhiên khi tỷ giá đồng nhân dân tệ giảm quá mạnh thì Việt Nam cũng sẽ có động thái điều chỉnh tỷ giá VND nhưng không phải nhất cử nhất động đều sẽ theo từng nhịp di chuyển của đồng tiền ấy. “Bởi giảm giá VND quá mạnh thì nhập khẩu sẽ bị đắt lên, quan trọng là còn ảnh hưởng tới lãi suất và lạm phát nữa”, ông Thiên khẳng định.

Còn TS Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI thì nêu quan điểm cho rằng cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung về bản chất là một chuỗi những cuộc “mặc cả” và dàn xếp của các cường quốc kinh tế. Tất nhiên quá trình ấy có thể tác động đến tình hình thương mại và các dòng đầu tư tại Việt Nam nhưng các doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh. Cách tốt nhất là “tự cường”, chuẩn bị các giải pháp thích ứng về lâu dài như tăng cường năng lực cạnh tranh, đầu tư cho công nghệ…

Phương Hiền