Xây dựng mô hình Hải quan thông minh

09:07 22/09/2021

Nhằm đẩy mạnh trong việc thực hiện Chính phủ số, mô hình Hải quan thông minh là mục tiêu tổng quát của quá trình xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030.

Theo Tổng cục Hải quan, việc triển khai thành công Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn đối với công tác quản lý nhà nước về hải quan và cả cộng đồng doanh nghiệp. 

  Ảnh minh họa.

Cụ thể, Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh sẽ cho phép doanh nghiệp khai báo thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi công cụ. Đồng thời, thời gian thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm chi phí logistics; được sử dụng phần mềm khai báo miễn phí do cơ quan Hải quan cung cấp; chỉ thực hiện khai thông tin hàng hóa một lần để thực hiện nhiều thủ tục hành chính thông qua hệ thống một cửa quốc gia; dễ dàng theo dõi tiến trình xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí mua phần mềm. Tổng cục Hải quan tính toán, với số lượng 92.000 doanh nghiệp sử dụng phần mềm, dự kiến trong thời gian 5 năm, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kinh doanh kho, bãi, cảng sẽ tiết kiệm được khoảng 920 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành được cung cấp nhiều tiện ích với Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh như thực hiện thủ tục hành chính (cấp phép, kiểm tra chuyên ngành...) liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên một hệ thống, qua đó góp phần cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí. Mặt khác, được chia sẻ các thông tin liên quan đến các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu thông qua hệ thống mà không phải đề nghị cơ quan Hải quan cung cấp khi phát sinh; quản lý các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan, thông quan và sau khi thông quan. Đối với cơ quan Hải quan, công tác kiểm soát hải quan hiệu quả hơn nhờ các chức năng kiểm soát hàng hóa và/hoặc kiểm tra quá trình khai báo hàng hóa cũng như khai báo của khách xuất nhập cảnh đã được tự động hóa, quá trình lựa chọn có thể được tiến hành trên cơ sở kỹ càng và có nhiều thông tin hơn.

Bên cạnh đó, thông tin tình báo do Hải quan thu thập có thể được đưa vào hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) và được xem xét đến khi tiến hành quá trình lựa chọn. Khả năng phát hiện những hành vi gian lận được tăng cường hơn trong môi trường sử dụng hệ thống tự động hóa, việc chọn lọc có thể được xử lý một cách có hệ thống, chính xác và kịp thời hơn. Hệ thống CNTT mới sẽ hỗ trợ cho việc xác định những hàng hóa nhập khẩu khi giá trị khai báo của hàng hóa nằm ngoài các thông số được xác định trước. Đáng chú ý, việc thông quan hàng hóa sẽ nhanh và hiệu quả hơn. Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, quá trình thông quan hàng hóa và hành khách hiệu quả là một trong những lợi ích chính mà tự động hóa mang lại bằng cách tạo ra: năng suất cao hơn cho cả cơ quan Hải quan và các đối tác kinh doanh; sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn; giảm chi phí cho cả cơ quan Hải quan và các đối tác thương mại; thông tin kịp thời và chính xác hơn; khả năng kiểm soát tốt hơn; giảm tình trạng tắc nghẽn tại cảng và sân bay.

Mặt khác, tự động hóa thủ tục hải quan gắn liền với trao đổi thông tin điện tử như dữ liệu về hàng hóa và khai báo về hàng hóa, cho phép xử lý thông tin trước khi hàng đến và/hoặc trước khi hàng đi. Vì vậy, xử lý thông tin thường xuyên trước khi hàng hóa thực tế vào lãnh thổ hải quan hoặc sắp rời lãnh thổ hải quan cho phép cơ quan Hải quan kiểm tra thông tin và tiến hành đánh giá rủi ro về hàng hóa. Với thông tin đã có sẵn, quyết định giải phóng hàng hóa có thể được chuyển đi ngay khi hàng hóa đến thông qua sử dụng phương thức điện tử. Cùng với đó, khi hệ thống CNTT được cả cơ quan Hải quan, các cơ quan pháp luật và các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả thì tất cả các bên liên quan tới một giao dịch xuất nhập khẩu có thể chuyển dữ liệu tới một hệ thống xử lý tập trung. Cơ quan Hải quan sẽ có thể gửi dữ liệu theo yêu cầu của các đơn vị thông quan tại cửa khẩu biên giới, tạo ra cho ngành Hải quan cơ chế thông quan “một cửa” nhanh chóng.

Mới đây, nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Hải quan Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Cẩn đã có một số chia sẻ về việc xây dựng mô hình hải quan thông minh. Theo ông, đây là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả. Mô hình này cũng thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp. Các đặc trưng cơ bản của mô hình gồm: Quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán. Thời gian phấn đấu triển khai chính thức hệ thống công nghệ thông tin mới là từ ngày 1/1/2023.

Trung Hiếu