Xây dựng chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030

22:29 27/11/2022

Trong bối cảnh phát triển mới, đặt ra yêu cầu ngành logistics vừa phải có các giải pháp đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp khác biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, thể hiện vai trò hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.

Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021. Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức mức cao trong giai đoạn từ 2015 tới nay, bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỷ tấn (2015) lên 1,64 tỷ tấn (2021); Khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng khoảng trên 30%, từ mức 230 tỷ tấn.km (2015) lên 303 tỷ tấn.km (2021). Đóng góp trực tiếp của lĩnh vực logistics vào GDP hàng năm ở mức 4 - 5%.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phát triển logistics Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít hạn chế: Chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển; Phát triển vận tải đa phương thức nhằm hạn chế tác động của hệ thống vận tải tới môi trường còn chậm; việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa theo kịp yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và hiện đại...

Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục gia tăng trong ngành vận tải và một số hoạt động dịch vụ logistics khác đã và đang tác động làm hạn chế tới phát triển logistics xanh tại Việt Nam.

Bối cảnh và thực trạng nêu trên đặt ra yêu cầu đối với ngành logistics vừa phải có các giải pháp đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp khác biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, thể hiện vai trò hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Điều này đặt ra thách thức với ngành logistics Việt Nam trong việc xanh hóa hoạt động của chuỗi cung ứng, tích cực đẩy mạnh cải tiến quy trình hoạt động, đầu tư công nghệ nhằm cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng đi đôi với cải thiện môi trường và phát triển bền vững...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Góc độ địa phương, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, dù tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố đạt khoảng 20-23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố đạt từ 13-15%. Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng mạnh, chiếm thị phần ngày càng lớn trong hệ thống cảng biển của cả nước.

"Thành phố cũng đang đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng và khởi công các bến tiếp theo, góp phần đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế dịch vụ lớn và hiện đại, xứng đáng là một trọng điểm kinh tế của cả nước, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và tham gia vào chuỗi các cảng biển quốc tế và khu vực", Bí thư Thành ủy Hải Phòng thông tin. 

Tuy nhiên, hoạt động logistics tại Hải Phòng vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Phần lớn sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng tiếp tục được lưu chuyển bằng đường bộ, gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông; phương thức vận tải hàng hóa bằng đường sắt, đường thủy nội địa còn yếu. Mặt khác, doanh nghiệp logistics trên địa bàn tuy đông về số lượng nhưng năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chiếm thị phần thấp; nhân lực logistics thiếu cả về số lượng và chất lượng...

Để ngành logistics ngày càng phát triển, ông Trần Lưu Quang – Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã nêu 5 giải pháp đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics. Đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực cảng biển, logistics; Tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng; Quy hoạch và xây dựng các khu logistics tập trung, có quy mô lớn, gắn với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh…

Ngoài ra, cần đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng, giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng như: Các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối đến các địa phương...; Nghiên cứu xây dựng, phát triển một số cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực dịch vụ logistics.

Để xây dựng chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, 

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm đáp ứng những yêu cầu phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh và tình hình mới.

Trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logictics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logictics và phát triển logistics xanh tại Việt Nam.

Đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; coi đây vừa là yêu cầu, vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm phát triển logistics xanh, logistics số, logistics thương mại điện tử... nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh và làm chủ một số chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian tới.

Hải Minh