Vĩnh Phúc áp dụng cấp bách trong "Nhu" có "Cương" phòng dịch, bệnh

09:11 22/10/2021

Nghị quyết 128 của Chính phủ là quyết sách đúng đắn, kịp thời và phù hợp để mỗi địa phương xây dựng, điều chỉnh kịch bản phòng, chống dịch hiệu quả trong thời điểm hiện nay. Trong đó, nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp là những đối tượng phấn khởi nhất khi đón nhận nghị quyết này. Lý do chính là khi triển khai, người dân và doanh nghiệp cơ bản tháo bỏ được vướng mắc trong vấn đề lưu thông, di chuyển và vận tải hàng hóa.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ là làm thế nào để vừa bảo đảm được tính thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không để xảy ra tình trạng “cát cứ”, mỗi nơi làm một kiểu; vừa đồng thời phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong việc phòng, chống dịch song song với phát triển kinh tế. Đây chính là nỗi băn khoăn, trăn trở, thậm chí lo lắng của không ít chính quyền địa phương.

Vĩnh Phúc dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh trọng yếu trên địa bàn, thay vào đó là thành lập các “Chốt hỗ trợ người dân và doanh nghiệp kiểm soát dịch bệnh Covid-19” để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới
Vĩnh Phúc dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh trọng yếu trên địa bàn, thay vào đó là thành lập các “Chốt hỗ trợ người dân và doanh nghiệp kiểm soát dịch bệnh Covid-19” để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Thực tế thời gian qua cho thấy, do quá tập trung vào công tác chống dịch, nhiều địa phương trên cả nước đã có những động thái quyết liệt thái quá, điều này làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển KT-XH, làm gián đoạn hoặc đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Nghị quyết 128 ra đời nhằm giải quyết trực tiếp vấn đề này và quả thực, nó trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để góp phần thúc đẩy nền kinh tế có cơ hội phát triển trong một giai đoạn đầy cam go, thử thách.

Tuy nhiên, dù Nghị quyết 128 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo nguồn sinh khí mới cho nền kinh tế, nhưng quá trình thực hiện cũng phát sinh nhiều băn khoăn, vướng mắc.

Ví như Nghị quyết 128 nêu quan điểm “Bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất”.

Liên hệ với thực tế đặc thù tại nhiều địa phương cho thấy, nếu để đảm bảo cao nhất cho sức khỏe và tính mạng của người dân thì đôi khi không thể tránh khỏi việc ban hành các quy định làm đảo lộn một số sinh hoạt thường nhật của nhân dân, trong đó có vấn đề lưu thông, vận tải.

Ngược lại, nếu tuân thủ tuyệt đối tinh thần “không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất” sẽ rất dễ phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng, bởi nguồn lây xâm nhập vào địa bàn không được kiểm soát chặt ngay từ ban đầu.

Đánh giá chung cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, một trong những nỗi niềm khó tỏ nhất của chính quyền các địa phương là việc siết chặt quá các biện pháp phòng, chống dịch thì bị người dân và doanh nghiệp phản ứng; nới lỏng ra thì hiểm họa lây lan dịch bệnh lúc nào cũng rình rập.

Cụ thể với Nghị quyết 128, nếu cứ đơn thuần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong nghị quyết thì vừa được lòng nhân dân và doanh nghiệp, vừa không trái với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu quá trình triển khai để xảy ra hậu quả làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì trước là làm tiêu tan thành quả chống dịch vốn rất vất vả mới có được, sau là có tội với nhân dân trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Quả tình là rất khó!

Tại Vĩnh Phúc, sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành được ít lâu, tình hình dịch bệnh tại địa phương lân cận là tỉnh Phú Thọ có diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao khiến dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn thông qua sự dịch chuyển của người và phương tiện vận tải giữa 2 địa phương.

Trước tình hình này, để đảm bảo tuân thủ Nghị quyết 128 của Chính phủ, một mặt Vĩnh Phúc dừng hoạt động của các chốt kiểm soát dịch bệnh trọng yếu trước đây theo yêu cầu mới. Mặt khác, để đảm bảo cao nhất bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, tỉnh áp dụng ngay một số biện pháp cấp bách tạm thời, trong "Nhu" có "Cương" vì mục tiêu bảo đảm sức khỏe người dân, doanh nghiệp là trước hết, trên hết, theo đó có việc kiểm soát chặt lượng người và phương tiện qua lại giữa Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Cụ thể, tỉnh đề xuất thành lập các “Chốt hỗ trợ người dân và doanh nghiệp kiểm soát dịch bệnh Covid-19” theo Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.

Mục đích nhằm hướng dẫn, hỗ trợ tối đa người dân khai báo y tế và các thủ tục phòng, chống dịch bệnh khi ra vào địa bàn Vĩnh Phúc, đặc biệt là trên các tuyến giao thông đường thủy và đường bộ giữa 2 tỉnh.

Đây có thể coi là một giải pháp tình thế độc đáo của Vĩnh Phúc trong việc vừa tuân thủ chỉ đạo của cấp trên, vừa linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kép. Bởi, đã gọi là biện pháp cấp bách tình thế nghĩa là những biện pháp này chỉ được thực hiện trong một thời điểm ngắn, tình huống nhất định để ứng phó với điều kiện cấp bách. Mà trong điều kiện cấp bách, người thực hiện được phép hành động theo tiêu chí lấy hiệu quả làm đầu, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cho người dân.

Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh vẫn chủ trương tiếp tục nêu cao tinh thần chống dịch từ bên trong; duy trì phương châm mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thôn, làng, hộ gia đình là một pháo đài chống dịch nhằm phát hiện từ xa, từ sớm các nguy cơ để kịp thời triển khai giải pháp ứng phó.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương tự chủ động các trang thiết bị y tế chống dịch theo đúng phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt là bộ kit test nhanh để nâng cao năng lực, tốc độ tầm soát diện rộng ngay từ cơ sở khi có tình huống phát sinh.

Thủy Tiên