PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh cần giải pháp đột phá và động lực phát triển để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào 2045. |
Ông Tim Evans – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam (VESF) lần thứ 17 – Phiên toàn thể mùa xuân 2025 diễn ra chiều 7/1. |
Năm 2025, dự báo là một năm đầy biến động với kinh tế toàn cầu. Dù triển vọng tích cực được ghi nhận ở nhiều khu vực, thế giới vẫn đối mặt với không ít thách thức.
Tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam (VESF) lần thứ 17 – Phiên toàn thể mùa xuân 2025 diễn ra chiều 7/1, ông Tim Evans – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng: "Nếu như chúng ta mong chờ năm 2025 sóng yên biển lặng thì trên thực tế lại không phải như vậy. Chúng ta sẽ vẫn phải chứng kiến những thách thức về xung đột địa chính trị, cú sốc về giá hậu đại dịch hay những thay đổi chính sách dưới chính quyền ông Donald Trump 2.0. Một số thách thức nữa có thể kể đến là thuế quan hay dịch chuyển về mặt thương mại mà thậm chí những tác động này còn lớn hơn so với những gì diễn ra trước đây. Đồng thời chúng ta còn phải theo dõi những thách thức thương mại từ phía Mỹ cũng như động thái từ ông Donald Trump trong việc bảo vệ thương mại. Ông Donald Trump cũng đã nói rõ là sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 10-20 % mức thuế đối với các nước khác. Một yếu tố thách thức nữa cũng phải kể đến là lạm phát, nó không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến các nền kinh tế cũng như thương mại quốc tế. HSBC dự kiến lạm phát toàn cầu có thể đạt mức 3.3 – 3.4%. Dự báo đến năm 2025, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể sẽ đạt 2,7%".
Trong bối cảnh hai nền kinh tế đầu tàu là Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới nhận định sự phục hồi đồng đều ở phần lớn các quốc gia sẽ bù đắp cho sự suy giảm này.
Trong bối cảnh nhiều thách thức, Việt Nam vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Tại Diễn đàn, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam, khẳng định rằng Việt Nam vẫn là một ngôi sao sáng ở Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã ghi nhận thặng dư thương mại khoảng 24 tỷ USD trong năm 2024 qua và dòng vốn FDI giải ngân đạt mức kỷ lục 22 tỷ USD. Những cải cách về Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và Luật Điện lực đã góp phần duy trì sự cân bằng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hướng tới tăng trưởng. Theo ông, đầu tư công chính là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khi tăng trưởng 1% trong đầu tư công có thể cải thiện GDP khoảng 0,06%. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Chakraborty cho rằng điều quan trọng nhất là đẩy nhanh việc thực hiện các cải cách đó, đạt hiệu quả trong bộ máy hành chính, đưa ra các quyết định, thúc đẩy đầu tư công. Hiệu quả những cải cách này cần phải nhanh chóng lan tỏa đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để đạt được mức tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra
Bên cạnh đó, ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Lào và Campuchia - nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 là tích cực. Ông Andrea Coppola nhấn mạnh rằng để duy trì đà tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như con người, cơ sở hạ tầng và thể chế. Đầu tư vào nguồn nhân lực, cải thiện hệ thống giao thông và năng lượng sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường. Ông Andrea Coppola cũng cho rằng hiện đại hóa thể chế là chìa khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao.
Toàn cảnh Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam (VESF) lần thứ 17 – Phiên toàn thể mùa xuân 2025 diễn ra chiều ngày 7/1. |
Tại diễn đàn, các chuyên gia nước ngoài đều chung nhận định, Việt Nam có nền kinh tế nội địa nhiều tiềm năng, du lịch cũng rất phát triển. Năm ngoái Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng FDI 3 năm liên tiếp và trong 2 năm gần đây Việt Nam đã quản lý rất tốt biến số vĩ mô, đặc biệt là lạm phát.
Trong năm tới, ông Tim Evans cho rằng Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. "Đối với mỗi khách hàng nước ngoài mà chúng tôi tiếp xúc, họ đều nói rằng có nhu cầu mở rộng đầu tư tại Việt Nam bởi Việt Nam có nguồn lợi thế về nguồn nhân lực, chính sách cởi mở cũng như vị trí địa lý thuận lợi. Việt Nam cũng có nhiều cam kết, hiệp định thương mại ký kết với đối tác nước ngoài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài và đóng vai trò là trung tâm sản xuất. Theo tôi đánh giá, Việt Nam đang trên đà trở thành ngôi sao đang lên của thương mại toàn cầu", ông Tim Evans chia sẻ.
Việt Nam hiện cũng đang chứng kiến tốc độ phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số. Theo ông Chakraborty, Việt Nam có cơ hội lớn trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) và cần tập trung nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động để đáp ứng tiềm năng của lĩnh vực này. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng tình trạng thiếu hụt lao động trong các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và công nghệ tài chính là một thách thức cần được giải quyết.
"Bên cạnh thúc đẩy về nền kinh tế số, thị trường tài chính cần phát huy hiệu lực của nguồn vốn dài hạn và tín dụng trong hệ thống ngân hàng cần phải được đảm bảo để tài trợ cho các khoản đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng", ông Chakraborty cho biết thêm.
Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng, bao gồm trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, đạt cân bằng phát thải vào năm 2050, và để kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030. Từ năm 2040-2050, Việt Nam đặt mục tiêu dẫn đầu trong ngành bán dẫn và điện tử. Với những nỗ lực cải cách mạnh mẽ trong năm vừa qua, Việt Nam đã chứng minh khả năng quản lý tốt các biến số vĩ mô, đặc biệt là lạm phát, và duy trì đà thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với sự hỗ trợ từ các cải cách chính sách, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, Việt Nam đang vững vàng trên hành trình trở thành một nền kinh tế toàn cầu nổi bật. Năm 2025 sẽ là cơ hội để Việt Nam củng cố vị thế và tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn FDI, mở ra kỷ nguyên mới của phát triển bền vững và bao trùm.
Với sự tham gia chỉ đạo nội dung của Ban Kinh tế Trung ương, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times phối hợp với Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam (VINASME) chủ trì tổ chức Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam (VESF) lần thứ 17 – Phiên toàn thể mùa xuân 2025 |