Trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hơn 67 tỷ USD TS. Cấn Văn Lực: Cần phối hợp chặt chẽ để phát triển nhà ở xã hội |
Bối cảnh kinh tế Việt Nam và thách thức trong giai đoạn hiện nay
Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam diễn ra chiều ngày 7/1/2025, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cơ hội lớn trong giai đoạn hiện nay. Với những mục tiêu đầy tham vọng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nền kinh tế cần phải vượt qua nhiều khó khăn, đồng thời tạo ra những bước đột phá trong phát triển để hướng tới mục tiêu dài hạn của đất nước, trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Những biến động kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, hay sự thay đổi nhanh chóng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đều có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, những hạn chế nội tại của nền kinh tế cũng cần được khắc phục kịp thời.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương |
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam hiện đang thực hiện hai cuộc cách mạng đồng thời: Một là, cách mạng về sắp xếp lại bộ máy chính trị, một phần để giảm thiểu tình trạng bộ máy cồng kềnh, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý. Hai là, cách mạng về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chính những yếu tố này, kết hợp với bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp, sẽ tạo nên những cơ hội và thách thức đồng thời cho nền kinh tế Việt Nam.
“Với mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam cần phải có những chính sách và giải pháp cụ thể nhằm không chỉ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn mà còn bảo đảm sự ổn định trong dài hạn. Những bước đi vững chắc trong việc thực hiện đổi mới sáng tạo, cải cách thể chế và chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam duy trì một nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững trong tương lai”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ.
Theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để thực hiện các mục tiêu phát triển trong bối cảnh đầy thách thức, Việt Nam cần áp dụng những giải pháp đột phá và chiến lược phát triển toàn diện. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng. Chính phủ cần tiếp tục kiểm soát lạm phát, giữ vững cân đối vĩ mô, đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cải thiện năng suất lao động. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế phải dựa trên sự nâng cao chất lượng tăng trưởng, không chỉ tập trung vào tốc độ mà còn vào hiệu quả sử dụng nguồn lực.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn cho hay, một giải pháp quan trọng nữa là làm mới động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Đặc biệt, việc thúc đẩy đầu tư tư nhân đóng vai trò quan trọng, bởi khu vực này hiện đang tạo việc làm cho khoảng 85% lực lượng lao động và đóng góp lớn vào GDP. Để thực hiện điều này, cần phải xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư tư nhân, đặc biệt là các chính sách liên quan đến việc kết nối đầu tư tư nhân với đầu tư công và FDI. Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp tạo ra sự cộng hưởng, nâng cao hiệu quả tổng thể trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Phấn đầu để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 |
Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt là cải cách thể chế. Các điểm nghẽn trong thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cần được tháo gỡ để nền kinh tế có thể phát triển nhanh và bền vững. Đây cũng là cơ sở để huy động và nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực như đất đai, tài nguyên thiên nhiên và tài chính. Chính phủ cần phải cải cách mạnh mẽ các quy trình và thủ tục hành chính, đồng thời tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch.
“Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và chuyển đổi số, Việt Nam cần tận dụng các nguồn lực này để tạo ra sự đột phá. Đặc biệt, trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, chính phủ cần có chính sách ưu đãi đặc biệt để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, việc phát triển các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại các thành phố lớn như TP.HCM và Đà Nẵng cũng cần được chú trọng để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, để bảo đảm sự phát triển bền vững, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Các giải pháp phát triển kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo cần được đẩy mạnh. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phải phát triển các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao, và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng và tạo ra những giá trị bền vững cho nền kinh tế.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, nền kinh tế Việt Nam cần thực hiện những bước đột phá về chính sách, thể chế và khoa học công nghệ. Với quyết tâm cao và tầm nhìn dài hạn, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những thách thức và đạt được sự phát triển bền vững.