Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản đột biến trong thập kỷ tới

22:44 23/02/2024

Nhóm nghiên cứu từ New World Wealth nhận định, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng tài sản lớn nhất thế giới khi xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú USD.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Báo cáo của công ty nghiên cứu tài sản toàn cầu New World Wealth và cố vấn đầu tư Henley & Partners chỉ ra Việt Nam sẽ chứng kiến ​​mức tăng trưởng tài sản đột biến nhất trong thập kỷ tới khi củng cố vị thế là trung tâm sản xuất toàn cầu.

Andrew Amoils - nhà phân tích của New World Wealth cho biết, quốc gia Đông Nam Á này được dự báo giàu lên 125% trong 10 năm tới. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, đây sẽ là mức tăng trưởng tài sản lớn nhất thế giới khi xét về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người và số lượng triệu phú USD.

“Việt Nam ngày càng trở thành cơ sở sản xuất phổ biến của các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may đa quốc gia", Andrew Amoils cho biết.

Theo số liệu của New World Wealth, Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú (tài sản hơn 1 triệu USD) và 58 triệu phú có từ 100 triệu USD trở lên. Việt Nam được xem là một quốc gia tương đối an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chỉ 10 năm trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 2.190 USD, nhưng hiện đã tăng gần gấp đôi lên 4.100 USD, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới. Ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của VinaCapital đánh giá, Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hầu hết người dân đều được hưởng lợi.

Ông Ho cho biết, Việt Nam cũng đang được hưởng lợi từ làn sóng đa dạng hóa sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia với số vốn đầu tư mạnh mẽ. Nhờ vậy, FDI vào Việt Nam trong năm 2023 đã tăng 32% so với năm trước đó, vượt mức 36,6 tỷ USD.

Còn Forbes cho hay, tính tới ngày 21/2, Việt Nam 6 tỷ phú USD, gồm: Chủ tịch Vingroup (VIC) Phạm Nhật Vượng (với 4,8 tỷ USD); Chủ tịch VietJet (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo (2,3 tỷ USD); Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh (1,6 tỷ USD); ông chủ Thaco Trần Bá Dương và gia đình (1,4 tỷ USD); Chủ tịch Masan (MSN) Nguyễn Đăng Quang (1 tỷ USD) và Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long (2,4 tỷ USD).

Tài sản người Việt tăng nhanh số 1 thế giới trong thập kỷ tới nhờ kỳ vọng từ các cỗ máy in tiền cũng như tham vọng của nhiều doanh nhân Việt, trong đó có tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Trần Đình Long, ông Trương Gia Bình...

Sự bứt phá về quy mô vốn, quy mô tài sản của hàng loạt tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup, Hòa Phát, Masan, Techcombank, FPT,... trong thập kỷ qua đã tạo ra rất nhiều triệu phú USD, tỷ phú USD người Việt.

Gần đây, Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình đã trở lại top 10 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán. Dù vẫn còn khiêm tốn so với Vingroup, Vinhomes, HPG, Masan,... nhưng FPT cũng đã sản sinh ra hơn 200 triệu phú USD sau gần 2 thập kỷ lên sàn chứng khoán.

Trong thập kỷ tới, rất nhiều tập đoàn tư nhân có thể tạo ra một loạt triệu phú USD, thậm chí tỷ phú USD như Hòa Phát, SunGroup, Sunshine, BRG, Techcombank, Masan, Vinhomes, Novaland, VPBank, Gelex, SSI, MWG,...

Các nhà phân tích của New World Wealth nhìn nhận, Việt Nam là cơ sở sản xuất ngày càng phổ biến của các công ty công nghệ, ôtô, điện tử, quần áo và dệt may.

Theo Phó Chủ tịch Maybank Brian Lee, câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa lấy xuất khẩu làm trọng tâm, được thúc đẩy bởi ba làn sóng FDI trong ba thập kỷ qua và đất nước đang đứng trước làn sóng thứ tư.

Tuy nhiên, Việt Nam có một số trở ngại trong thời gian tới. Brian Lee lưu ý rằng, lực lượng lao động của đất nước sẽ cần được đào tạo nhiều hơn để giải quyết nhu cầu của các hoạt động sản xuất phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng.

Đồng thời, suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài cũng có thể tác động đến nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường phát triển, từ đó có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam đã chậm lại ở mức 5,05% so với mức tăng 8,02% vào năm 2022 bởi nhu cầu toàn cầu suy giảm.

Phương Hà (t/h)