Đây là sự kiện quan trọng nhằm chuẩn bị cho Việt Nam tham gia hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 9/2021. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khó lường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh
Theo đó, Việt Nam rất hoan nghênh và đánh giá cao lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về hệ thống LTTP 2021. Từ đó giúp định hướng cho hệ thống LTTP và chung tay hành động để đạt mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ, Việt Nam sẽ làm tốt hơn, hiệu quả hơn các chương trình hành động đã ban hành của từng lĩnh vực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở vùng nông thôn. Đặc biệt là tại các vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em.
Đối thoại quốc gia lần thứ nhất về hệ thống LTTP tập trung thảo luận 2 nội dung chính bao gồm: Thực trạng và các vấn đề cần giải quyết trong hệ thống LTTP của Việt Nam; và các cơ hội, giải pháp và các hành động để chuyển đổi hệ thống LTTP theo hướng minh bạch - trách nhiệm - bền vững đến năm 2030.
Theo Bộ NN&PTNT, hệ thống LTTP của Việt Nam rất đa dạng, phong phú nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Những dự báo và thực tế về biến đổi khí hậu toàn cầu trong những năm gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Trong khi tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm hơn, đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu ngày càng ngay gắt, đã và đang là thách thức lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng trên thế giới.
Việt Nam hướng đến xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững
Bên cạnh đó, lực lượng sản xuất chưa phát huy hết sức mạnh để nâng cao năng suất lao động và giá trị tích lũy. Quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng cũng thiếu bền vững, năng lực ứng phó trước các rủi ro về thị trường, thiên tai, dịch bệnh còn hạn chế.
Nhiều ý kiến đại biểu dự hội nghị cũng cho rằng, sự vận hành của hệ thống LTTP của Việt Nam còn chú trọng nhiều đến mục tiêu kinh tế mà chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề môi trường. Việt Nam cần có những hành động cụ thể để thúc đẩy hợp tác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, không chỉ cho gần 100 triệu người dân Việt Nam mà còn trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững cho toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh năm 2021 của LHQ nhằm định hướng cho hệ thống LTTP được phát triển bền vững hơn, toàn diện hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn. Từ đó tạo ra tác động đa chiều để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030.
Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cao nhất thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Vai trò của ngành nông nghiệp trở nên càng đặc biệt quan trọng trong điều kiện “bình thường mới” cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh năm 2021 của LHQ, các quốc gia thành viên hưởng ứng tổ chức các cuộc đối thoại cấp quốc gia và khu vực. Khi hệ thống lương thực thực phẩm vận hành tốt sẽ có khả năng đưa các quốc gia xích lại gần nhau hơn. Nếu hệ thống bất ổn thì những rối loạn gây ra sẽ đe dọa tới mọi thành tựu từ giáo dục, y tế và kinh tế, cũng như nhân quyền, hòa bình và an ninh.
Để chuẩn bị cho sự kiện này, Bộ sẽ thay mặt Chính Phủ tổ chức 2 đối thoại quốc gia và 3 đối thoại cấp vùng từ 15/6 – 15/7/2021 theo hình thức trực tuyến. Chủ đề xuyên suốt trong chuỗi đối thoại nhằm hướng tới việc xây dựng hệ thống LTTP Việt Nam: Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững.
Phạm.Giang