Sau khi tăng vọt lên 4.2% trong tháng 4 và 5% trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ so với cùng kỳ tiếp tục tăng mạnh lên mức 5.4% trong tháng 6, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp có mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 – thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Có lẽ vì sớm dự đoán được lạm phát sẽ nhanh chóng tăng vọt trở lại, mà hồi tháng 8 năm ngoái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thay đổi chiến lược điều hành chính sách tiền tệ dựa trên đánh giá lạm phát trung bình trong một thời kỳ.
Bên kia bờ Thái Bình Dương, CPI của Trung Quốc so với cùng kỳ cũng tiếp tục tăng từ mức 0.9% trong tháng 4 lên 1.3% trong tháng 5, mức tăng cao nhất trong vòng 7 tháng qua, trước khi giảm nhẹ trở lại mức 1.1% trong tháng 6. Xu hướng đi lên của chỉ số này khả năng chưa sớm chấm dứt, khi chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này tăng mạnh thời gian qua nhưng vẫn chưa phản ánh đầy đủ vào giá sản phẩm đầu ra. Trước những áp lực như vậy, gần đây Trung Quốc đã phát tín hiệu thắt chặt chính sách dần trở lại.
Tại châu Âu, tỷ lệ lạm phát của khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) gồm 19 nước thành viên, trong tháng 5 và tháng 6 tiếp tục duy trì ở mức cao tương ứng là 2% và 1.9% so với cùng kỳ, tăng so với mức 1.6% của tháng 4. Tháng 5 cũng đánh dấu lần đầu tiên trong 3 năm qua lạm phát của khu vực này đạt ngưỡng mục tiêu đề ra ở 2%, đồng thời cũng ghi nhận tốc độ tăng tỷ lệ lạm phát nhanh nhất tại Eurozone mà cơ quan thống kê khu vực này từng ghi nhận.
Giá cả các loại hàng hóa tăng vọt khắp toàn cầu, đặc biệt là các mặt hàng năng lượng, nguyên vật liệu, đã góp phần đẩy lạm phát leo thang trở lại tại các nền kinh tế trong những tháng gần đây. Tại Mỹ và các quốc gia phát triển khác, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ nhờ chương trình tiêm chủng vaccine Covid 19 mở rộng đạt nhiều kết quả tích cực, giúp gỡ bỏ tình trạng giãn cách xã hội, các quy định hạn chế kinh doanh được nới lỏng, cộng thêm các chương trình hỗ trợ kinh tế, kích cầu có quy mô hàng nghìn tỷ USD được tung ra.
Với nhu cầu ngày càng tăng kéo hoạt động thương mại toàn cầu phục hồi nhanh, càng gây áp lực lên giá cước vận tải biển tăng vượt tầm kiểm soát, nhất là khi tình trạng thiếu hụt container, cảng bão hòa, tình trạng quá ít tàu và công nhân, đã kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay, đều gây áp lực lên công suất vận tải trên mọi tuyến đường. Đến lượt mình, giá cước tăng lại đẩy giá các mặt hàng khác lên, khi hiện nay hơn 80% tổng hàng hóa thương mại được vận chuyển bằng đường biển. Nói cách khác, những chi phí đầu vào sản xuất, từ nguyên vật liệu đến vận tải đang dần được chuyển sang cho người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, sau 2 tháng giảm liên tiếp trước đó, CPI tháng 5 của nước ta so với tháng trước đã tăng trở lại 0.16%, còn so với cùng kỳ tăng 2.9%, mức cao nhất trong 8 tháng qua và cũng đánh dấu tháng 5 có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 3 năm qua, trong đó ảnh hưởng mạnh bởi nhóm giao thông tăng đến 21.2% so với cùng kỳ.
CPI trong tháng 6 tiếp tục tăng 0.19% so tháng trước, còn số liệu tháng 7 công bố mới đây tăng vọt lên 0.62% so với tháng trước và tăng 2.64% so với cùng kỳ. Việc giá lương thực thực phẩm leo thang do khan hiếm trước tình trạng tích trữ sau khi các địa phương giãn cách xã hội, cộng thêm một loạt giá nhiên liệu như giá xăng dầu tăng theo giá thế giới đã gây áp lực lên CPI những tháng gần đây.
Trước tình hình này, Việt Nam không thể không lo ngại ngọn lửa lạm phát có thể bùng lên trở lại bất cứ lúc nào, nhất là khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trong nước, chính sách giãn cách xã hội gây ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng và các hoạt động sản xuất, bán hàng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có đôi chút đặc thù khác biệt, do đó kỳ vọng lạm phát dù có tăng trở lại nhưng vẫn sẽ trong tầm kiểm soát trong năm nay.
Thứ nhất, dù Việt Nam thời gian qua vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, nhưng cung tiền không tăng quá mạnh. Số liệu gần nhất đến tháng 6 vừa qua cho thấy tăng trưởng cung tiền M2 so với cùng kỳ là 13.3%, giảm từ mức 15.66% vào giữa tháng 4. So với mức bình quân 14-15% của giai đoạn từ 2016 đến nay, tăng trưởng cung tiền của Việt Nam vẫn chưa có gì đột biến nếu so với mức tăng vọt của nhiều nền kinh tế khác.
So với các nước khác như Mỹ đã bơm hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế, phát tiền miễn phí cho người dân, mà sau đó không ít người thay vì đẩy mạnh chi tiêu lại đem lượng tiền hỗ trợ này đi gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào các kênh tài sản. Việt Nam lại có cách tiếp cận khác, thay vì bơm tiền ồ ạt, Chính phủ triển khai các giải pháp như miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất, cho phép tái cơ cấu nợ,… các chính sách này một mặt vừa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, lại vừa không làm tăng lượng cung tiền quá nhiều ra nền kinh tế.
Thực tế giá trị tiền đồng thời gian qua vẫn ổn định so với USD, bất chấp lãi suất VNĐ liên tục đi xuống. Việc kiểm soát và chặt đứt các hiện tượng đầu cơ vàng, USD cũng góp phần giúp kiềm tỏa tâm lý lo sợ tiền đồng mất giá và lạm phát tăng, nhờ vào các chính sách chống vàng hóa và đô la hóa đã phát huy hiệu quả trong những năm qua.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất giảm tuy có kích thích nhu cầu vay vốn và ảnh hưởng lên hoạt động tiền gửi ngân hàng, nhưng một lượng vốn lớn này đã rót vào các kênh đầu tư, do đó lạm phát tạm thời chưa xảy ra trong nền kinh tế thực dù có thể đã có hiện tượng lạm phát tài sản, thể hiện qua giá chứng khoán và bất động sản tăng vọt.
Trong một nền kinh tế bình thường, khi các thị trường tài sản tăng giá, ai cũng cảm thấy giàu có hơn và có thể đẩy mạnh chi tiêu. Nhưng bối cảnh hiện nay lại bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, do đó, xu hướng thắt chặt chi tiêu đang được ưu tiên vào lúc này, cho nên, dù nguồn cung hàng hóa có thể thiếu hụt nhưng cầu cũng suy yếu nên chênh lệch cung cầu hàng hóa không bị mất cân bằng quá lớn. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang phải căng mình chống dịch với các đợt bùng phát mới, nên tâm lý thắt chặt chi tiêu càng được ưu tiên, đó là điểm lưu ý thứ ba.
Nói như vậy không có nghĩa là bóng ma lạm phát trở lại trên toàn cầu nhưng có thể bỏ qua Việt Nam. Xét dài hạn trong những năm tới, nỗi lo ngại về lạm phát là có cơ sở và sẽ luôn thường trực, khi giá dầu thế giới, nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành công nghiệp, vẫn đang trong đà tăng mạnh chưa có điểm dừng.Theo dự báo giá dầu của trang Longforecast, giá dầu thế giới có thể leo lên mốc hơn 100 USD/ thùng vào cuối năm nay và sẽ duy trì xu hướng tăng đến tận 2025, với mức đỉnh điểm là hơn 160 USD/ thùng trong giai đoạn này.
Trước những thách thức đó, nhà điều hành cần xem xét cẩn trọng trước khi quyết định tăng giá các mặt hàng, dịch vụ công cơ bản và thiết yếu trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới, vốn có những tác động dây chuyền không hề nhỏ lên các mặt hàng khác. Mục tiêu giữ ổn định vĩ mô vẫn cần được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là giá trị tiền đồng. Hồi đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có động thái giảm mạnh giá mua vào USD kỳ hạn, mà được cho là có thể giúp giảm bớt áp lực lạm phát nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc trong bối cảnh đồng nhân dân tệ tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, với chính sách mở rộng tài khóa hiện nay, đẩy mạnh tiến độ thực hiện hàng loạt dự án đầu tư công, việc nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện hệ số ICOR tiếp tục là mục tiêu quan trọng và cần thiết. Cải tiến, tăng cường hệ thống kênh phân phối hàng hóa để hạn chế tình trạng đầu cơ, kiểm soát và ngăn chặn lạm phát tâm lý, hướng dòng vốn vào nền kinh tế thực để tránh rủi ro bong bóng tài sản. Cuối cùng, việc xem xét và cân nhắc nhanh chóng thắt chặt chính sách khi cần thiết cũng là một lựa chọn một khi lạm phát tăng quá nhanh vượt tầm kiểm soát.
Phan Thụy