Bài liên quan |
TP.Hồ Chí Minh áp dụng Bảng giá đất cũ: Hồ sơ đất đai được khơi thông |
Luật Đất đai 2024 đã cho phép Việt kiều mua nhà đất, hay nói chính xác là có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật có những quy định riêng đối với từng đối tượng hoặc từng loại bất động sản.
Hai nhóm đối tượng đang định cư (cư trú, làm ăn và sinh sống lâu dài) ở nước ngoài được hưởng quyền lợi này, bao gồm:
(i) người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, tức người đang có quốc tịch Việt Nam;
(ii) người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tức người đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc khi sinh ra người đó có cha mẹ hoặc ông bà nội, ông bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam. Khái niệm pháp lý được quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 như sau: “Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”.
Nếu bạn là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, bạn sẽ được hưởng đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như một cá nhân trong nước (theo Khoản 3 Điều 4 Luật Đất đai 2024). Đó là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất thông qua các hình thức: nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; quyền mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp gắn với giá trị quyền sử dụng đất; thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất...cùng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nếu bạn là người gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài, bạn có thể sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, bạn chỉ được xác lập quyền sở hữu đối với nhà (đứng tên nhà), không được xác lập quyền sử dụng đất (không đứng tên đất). Ngoài ra, bạn có thể nhận chuyển quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở (quy định tại Điều 44 Luật Đất đai 2023); nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải, quyết định giải quyết khiếu nại tranh chấp đất đai, bản án (quy định tại Điều 28 Luật Đất đai 2024).
Việt kiều mua nhà đất tại Việt Nam. (Ảnh minh họa, nguồn internet). |
Cần lưu ý và chuẩn bị những gì?
Trước tiên, bạn phải được phép nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam tại thời điểm mua bán nhà đất.
Thứ hai, bạn phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh mình thuộc nhóm đối tượng đủ điều kiện mua nhà đất tại Việt Nam, cụ thể:
Đối với cá nhân là công dân Việt Nam thì phải có thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam.
Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế theo pháp luật về xuất nhập cảnh và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.
Thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân
Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có nơi cư trú tại Việt Nam thì thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước thể hiện là địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt). Theo quy định tại điều 19 Luật Căn cước năm 2023 và khoản 4 điều 4 Thông tư 17/2024/TT-BCA.
Người gốc Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch có thời gian sinh sống ở Việt Nam liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện thì cũng được cấp thẻ Căn cước công dân.
Cơ quan quản lý căn cước của công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú sẽ có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục cấp thẻ căn cước.
Hồ sơ bao gồm:
- Hộ chiếu, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, CCCD/CMND cũ (nếu có).
- Giấy tờ chứng minh cư trú.
- Giấy tờ chứng minh nếu có thay đổi về thông tin nhân thân.
Thủ tục cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam
Người có yêu cầu có thể nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (nếu đang cư trú ở nước ngoài), đến Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao hoặc Sở Tư pháp (nếu đang cư trú ở trong nước), không ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ.
Trường hợp người có yêu cầu cư trú tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không có Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thì nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện kiêm nhiệm hoặc Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất.
Hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai đề nghị xác nhận là người gốc Việt Nam kèm 02 ảnh 4x6 chụp chưa quá 6 tháng.
- Giấy tờ về nhân thân như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Giấy tờ được cấp trước đây để chứng minh đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ để chứng minh khi sinh ra người đó có cha mẹ hoặc ông bà nội, ông bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam.
- Trường hợp không có bất kỳ giấy tờ nào nêu trên thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể, có thể nộp bản sao giấy tờ về nhân thân, quốc tịch, hộ tịch do chế độ cũ ở miền Nam cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975; giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956; giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nơi người đó đang cư trú, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam.