CIEM: Đẩy mạnh cải cách tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển

15:06 15/07/2022

Tại Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững”, bàn về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2022, CIEM đã kiến nghị, phải đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế, để giảm bớt áp lực đối với lạm phát và tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Việt Nam đạt tốc độ tăng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022 và 7,72% trong quý II/2022, đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với khu vực châu Á. Đà phục hồi tăng trưởng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực, đặc biệt là dịch vụ… lao động - việc làm đã sớm có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 đạt 51,6 triệu người, tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, đây là những tiền đề quan trọng cho 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2022.

Kịch bản 1, khi tình hình dịch bệnh ở thế giới và Việt Nam nhìn chung được kiểm soát, các nước duy trì xu hướng tạo thuận lợi cho đi lại của người dân. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2022. Mức giá của Mỹ tăng tới 7,682%. Giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 17,7%. Giá dầu thô thế giới tăng 42,0%.

Về phía Việt Nam, tỷ giá VND/USD của Ngân hàng thương mại tăng 2,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 8,5%. Tín dụng tăng 14,0%. Giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8,5%. Dân số tăng 1,07%, và số lao động có việc làm tăng 6,1% so với năm 2021. Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết tăng 10,7% so với năm 2021. Tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 1,5%.

Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) đều giảm 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 8,9%. Giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 460,8 nghìn tỷ đồng.

Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7%.

Kịch bản 2, GDP của thế giới tăng 3,6%; tổng phương tiện thanh toán tăng 10,5%; (tín dụng tăng 15%; giá nhập khẩu hàng hóa tăng 5%; tỷ giá VND/USD của Ngân hàng thương mại tăng 2,0%; tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 0,8%; giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 542,16 nghìn tỷ đồng; đẩy mạnh tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…).

Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,9%.

Nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 có thể chịu ảnh hưởng của 5 yếu tố. Đó là:

Thứ nhất, khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể Covid-19 và các dịch bệnh mới.

Thứ hai, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ ba, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng, để giúp ổn định tâm lý thị trường và “neo” kỳ vọng lạm phát.

Thứ tư, khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại-công nghệ giữa Các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...

Thứ năm, khả năng tạo thêm cơ hội và kỹ năng cho lao động nữ, qua đó giúp tận dụng tiềm năng từ nhóm lao động này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Đặc biệt, các chuyên gia CIEM cũng chỉ ra, dù Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý tác động phức tạp của tình hình dịch bệnh, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, nhưng áp lực lạm phát trong nước đã trở nên hiện hữu hơn.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM khuyến nghị, quan trọng nhất vẫn là kiểm soát lạm phát.
Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh cho rằng, chúng ta đã bàn nhiều về lạm phát trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, bài học trong ứng xử với lạm phát và hệ lụy của khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị: chỉ thực hiện các biện pháp điều hành tổng cầu - tức là nới lỏng hay thắt chặt tài khóa - tiền tệ - thì khó có thể phát huy bền vững đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.

Lâm Nghi