Bài liên quan |
Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nhà nước tính phương án thí điểm thuê CEO ngoại |
Yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo an toàn khi đưa lao động Việt sang Trung Đông |
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc nhận diện các vướng mắc, bất cập của Luật Doanh nghiệp 2020 và đề xuất chính sách phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại một số nội dung trong dự thảo.
Một trong những đề xuất trong dự thảo là yêu cầu doanh nghiệp công khai trực tuyến thông tin về tình trạng hoạt động trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp vào ngày cuối cùng của quý II và quý IV hằng năm. Theo VCCI, đây là một quy định mới bổ sung thêm nghĩa vụ công khai thông tin cho doanh nghiệp nhưng lại chưa làm rõ doanh nghiệp cần công khai những nội dung gì. Luật Doanh nghiệp 2020 hiện hành đã yêu cầu doanh nghiệp công khai thông tin về ngành nghề đăng ký kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần, cùng với các thay đổi liên quan. Cơ quan đăng ký kinh doanh cũng có trách nhiệm cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Vì vậy, thông tin về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp cơ bản đã được công khai. Do đó, VCCI đề nghị không bổ sung quy định này để tránh làm tăng thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
![]() |
VCCI: Cần cân nhắc nhiều vấn đề tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) |
Dự thảo cũng đề xuất cấm thành lập doanh nghiệp có thời hạn đối với một số đối tượng vi phạm pháp luật về thuế. Cụ thể, cá nhân thành lập hoặc đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị cơ quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký phải hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi tham gia thành lập hoặc làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này chưa rõ liệu có bao gồm cả thành viên hoặc cổ đông đang sở hữu phần vốn góp hay không. Nếu áp dụng cho cả những đối tượng này thì phạm vi ảnh hưởng sẽ quá rộng và bất khả thi, đặc biệt là đối với công ty đại chúng.
Ngoài ra, nếu cổ đông sáng lập đã chuyển nhượng cổ phần sau ba năm và không còn là cổ đông nhưng vẫn bị ràng buộc bởi quy định này thì cũng chưa hợp lý. Do việc cấm một số chủ thể thành lập doanh nghiệp có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng gia nhập thị trường, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng để không đi ngược lại tinh thần khuyến khích khởi nghiệp kinh doanh.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu doanh nghiệp ngừng hoạt động trong một năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ cần thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và tình trạng sẽ được cập nhật trên Hệ thống Đăng ký kinh doanh quốc gia. Việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh không yêu cầu thông báo với cơ quan thuế. Vì vậy, VCCI cho rằng thay vì bổ sung thêm thủ tục cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc trao đổi và chia sẻ thông tin. Do đó, VCCI đề nghị bỏ nội dung yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế khi ngừng hoạt động.