Chiều 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã yêu cầu chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh của DNNN một cách căn cơ, bài bản, toàn diện, bền vững thông qua đổi mới, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự….
Đặc biệt, DNNN cần chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là then chốt của then chốt, tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu DNNN phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, yêu nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện sứ mệnh cao cả này; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydorgen, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Trước đó, tại buổi gặp hồi tháng 3, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hiện DNNN không có sự tự chủ, người lao động, nhất là cấp quản lý không được khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát huy tối đa năng lực.
"Doanh nghiệp phải chọn, bổ nhiệm quản lý có trình độ, kinh nghiệm, và cần có chế độ tiền lương, lợi ích tương xứng với năng lực và kết quả quản trị, điều hành", Bộ trưởng từng đề xuất.
Tại hội nghị hôm 15/6, Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ cùng Ban Tổ chức Trung ương, Đảng uỷ Khối các doanh nghiệp Trung ương đề xuất công tác cán bộ, tổ chức hợp lý. Việc này, theo yêu cầu của Thủ tướng, phải mang tính đặc thù với DNNN nhưng vẫn bảo đảm hài hoà về chính trị.
Bộ Tài chính sớm nghiên cứu dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tăng phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, năng lực thực thi cho cấp dưới, kiểm tra, giám sát.
Năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN đạt hơn 1,65 triệu tỷ đồng, lợi nhuận hơn 125.000 tỷ đồng. Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu hơn 1,3 triệu tỷ đồng, góp hơn 166.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Riêng 5 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của nhóm này đạt hơn 823.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 28.000 tỷ đồng. Mức này tăng lần lượt 12% và 33% so với cùng kỳ.
Thủ tướng đánh giá năm 2024 có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ. "Thời gian từ nay đến lúc đó không còn nhiều", ông nói, nhấn mạnh các DNNN phải phát huy những thành tựu, khắc phục hạn chế, yếu kém.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của DNNN để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, 3 đột phá chiến lược.
"Nếu DNNN không làm trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội thì thành phần kinh tế nào có thể làm được?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Với mong muốn, kỳ vọng “mỗi bộ, ngành có một Viettel, mỗi tỉnh thành có một Becamex”, Thủ tướng cho rằng mô hình đã có, vấn đề là cần được nhân rộng ra. Cụ thể, Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị cũng xác định nghiên cứu chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
“Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá", Thủ tướng phát biểu và đề nghị các DNNN, nhất là những DNNN quy mô lớn cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích luỹ, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh "5 tiên phong" của DNNN như đổi mới sáng tạo; hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài; khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước; tiên phong trong các cơ chế, chính sách đột phá phát triển đất nước và cuối cùng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành địa phương quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, doanh nghiệp hưởng thụ thật", "nói ít, làm nhiều", "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được".
Tú Anh (t/h)