Tổng quan về hệ thống giao dịch tín chỉ phát thải của châu Âu
Vào tháng 3/2000, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình một báo cáo về “Mua bán khí thải nhà kính trong Liên minh châu Âu” với ý tưởng về việc thiết kế hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải (EU Emission Trading System - EU ETS). Từ đây, các cuộc thảo luận liên quan được tiến hành nhằm định hình về EU ETS trong giai đoạn sơ khởi. Chỉ thị về việc xây dựng EU ETS năm 2003 đã được thông qua và thị trường mua bán phát thải của EU đã được hình thành chính thức vào năm 2005.
Với hệ thống này, Liên minh Châu Âu đã tạo ra một cơ chế thị trường định giá CO2 và tạo ra các động lực để giảm lượng khí thải theo cách hiệu quả nhất về mặt chi phí. Mục tiêu của ETS I ban đầu là giảm lượng khí thải trong các ngành sản xuất điện và sử dụng nhiều năng lượng (như sản xuất sắt, nhôm, xi măng, thủy tinh, bìa cứng, axit, v.v.) theo một tỷ lệ nhất định mỗi năm.
Hệ thống này đã giúp giảm lượng khí thải từ các lĩnh vực này xuống khoảng 47% từ năm 2005 đến năm 2023. Dữ liệu năm 2023 cho thấy mức giảm kỷ lục 15,5% so với mức của năm 2022, phần lớn là nhờ thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo. Theo báo cáo hiện trạng năm 2024 của Tổ chức Đối tác Hành động Carbon Quốc tế, EU ETS là hệ thống lâu đời nhất và lớn nhất cho đến nay trong số 36 hệ thống giao dịch carbon đang hoạt động trên toàn thế giới tính đến đầu năm 2024, chiếm 18% lượng khí thải toàn cầu.
Từ năm 2027, hệ thống giao dịch khí thải mới (EU ETS II) sẽ bao gồm cả việc phân phối nhiên liệu cho vận tải đường bộ và các tòa nhà cũng như các ngành công nghiệp bổ sung. ETS II ban đầu sẽ chạy song song với hệ thống trước đó (ETS I), nhưng đến khoảng năm 2030 hai hệ thống sẽ được hợp nhất.
Ngành công nghiệp nặng tại châu Âu sẽ được phân bổ lượng hạn ngạch (tín chỉ) phát thải miễn phí nhất định. Điều này nhằm tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp bên ngoài EU vốn tuân theo các điều luật ít nghiêm ngặt hơn.
Các công ty sẽ phải đối mặt với án phạt nếu phát thải nhiều CO2 hơn hạn mức cho phép. Mức phạt là 100 euro/tấn vượt quá. Do đó, các công ty được khuyến khích giảm lượng khí thải bằng cách đầu tư vào hiệu quả năng lượng vì sau đó họ có thể bán lượng tín chỉ phát thải dư thừa.
Doanh thu của EU ETS sẽ chủ yếu đi vào ngân sách của các quốc gia thành viên hoặc chảy vào Quỹ Đổi mới và Quỹ Hiện đại hóa trên toàn EU. Năm 2022, EU ETS đã tạo ra tổng doanh thu đấu giá là 38,8 tỷ euro, cao hơn 7,7 tỷ euro so với năm 2021. Trong số tiền này, 29,7 tỷ euro đã được phân phối trực tiếp cho các quốc gia thành viên, trong đó Đức có doanh thu 7,8 tỷ euro.
Mục tiêu giảm phát thải của EU ETS I là gì?
Hệ thống này bao gồm khoảng 9.000 nhà máy điện và xí nghiệp tại 27 quốc gia thành viên EU cùng với Iceland, Liechtenstein và Na Uy, chiếm khoảng 36% tổng lượng phát thải khí nhà kính của EU (2022).
Mục tiêu của ETS I là giảm phát thải khí nhà kính từ các nhà máy điện và các ngành sử dụng nhiều năng lượng khác theo một tỷ lệ nhất định hàng năm, gọi là hệ số giảm tuyến tính (LRF). Tính đến năm 2013, LRF được đặt ở mức 1,74% để đạt được mức giảm chung trong các lĩnh vực này là 21% vào năm 2020, so với mức của năm 2005. Từ năm 2021 đến năm 2030, tổng số tín chỉ phát thải được thiết lập để giảm với tốc độ hàng năm là 2,2%. Hệ số giảm được thiết lập vào năm 2018 để phù hợp với các mục tiêu trước đây của EU là cắt giảm ít nhất 40% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990.
Tuy nhiên, những cải cách vào năm 2023 đã đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn: giảm tổng lượng phát thải xuống 62% vào năm 2030 so với năm 2005. LRF sẽ tăng lên 4,3% trong giai đoạn 2024- 2027 và sau đó lên 4,4% từ năm 2028.
Quỹ đạo này sẽ đưa mức trần về 0 vào năm 2039 (chưa tính đến tín chỉ cho lĩnh vực hàng không và hàng hải). Sau khi quyết định mục tiêu khí hậu cho năm 2040, EU cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh thêm ETS.
Những thay đổi của EU ETS I trong năm 2023
Vào giữa năm 2021, luật khí hậu châu Âu có hiệu lực. Điều này đặt ra mục tiêu ràng buộc là giảm phát thải ròng khí nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Để đạt được mục tiêu mới và tham vọng hơn này, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra gói “Fit for 55” gồm các quy tắc và quy định pháp lý mới, được đề xuất vào tháng 7 năm 2021. Sau các cuộc đàm phán, các thành viên và Uỷ ban đã đạt được thỏa thuận vào tháng 12 năm 2022 để cải cách ETS hiện có, đồng thời giới thiệu hệ thống thứ hai cho nhiên liệu vận tải và sưởi ấm (ETS II). Các đạo luật cuối cùng đã được ký kết vào năm 2023.
Những điểm cải cách đáng chú ý bao gồm:
- Mục tiêu mới năm 2030 về lượng phát thải là -62% (trước đây là -43%) so với năm 2005.
- Các quốc gia thành viên nên dành toàn bộ doanh thu từ kinh doanh tín chỉ phát thải cho các hoạt động liên quan đến khí hậu.
- Phát thải vận chuyển tàu biển được đưa vào phạm vi của EU ETS. Trong khi các tàu đến từ bên ngoài EU hoặc khởi hành đến một cảng bên ngoài liên minh sẽ chỉ cần chi trả tín chỉ cho một nửa lượng phát thải, thì mọi lượng khí thải từ vận tải hàng hải trong nội bộ EU đều phải sử dụng tín chỉ đầy đủ theo ETS.
- Đối với ngành hàng không, EU ETS áp dụng cho các chuyến bay nội châu Âu. Các tổ chức EU đã đồng ý loại bỏ dần việc phân bổ tín chỉ phát thải miễn phí cho các nhà khai thác máy bay và chuyển hoàn toàn sang đấu giá tín chỉ vào năm 2026 để tạo ra tín hiệu giá mạnh hơn. Với các chuyến bay ngoài châu Âu đến và đi từ các nước thứ ba, Chương trình giảm thiểu và bù đắp carbon toàn cầu cho hàng không quốc tế (CORSIA) sẽ được tích hợp vào ETS.
- Quỹ dự trữ ổn định thị trường: 24% của tất cả các khoản tín chỉ ETS sẽ tiếp tục được đưa vào dự trữ ổn định thị trường. Cơ chế này nhằm mục đích giảm thặng dư tín chỉ và mặt khác cho phép EU ETS I phản ứng linh hoạt hơn trước các cú sốc cung và cầu trong tương lai.
ETS II, hệ thống giao dịch mới cho lĩnh vực vận tải và xây dựng
Là một phần của gói cải cách “Fit for 55”, EU đã quyết định về ETS II: một hệ thống mua bán tín chỉ phát thải mới để kiểm soát khí thải trong phân phối nhiên liệu cho vận tải đường bộ và các tòa nhà cũng như các ngành công nghiệp bổ sung. Cho đến nay, Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết việc giảm phát thải trong các lĩnh vực này vẫn chưa đủ để đưa EU đi đúng hướng tới mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050. Hệ thống này sẽ chạy riêng biệt với EU ETS hiện có.
Các điểm chính đáng lưu ý về ETS II bao gồm:
- Hệ thống sẽ vận hành đầy đủ vào năm 2027 (quá trình giám sát và báo cáo lượng phát thải sẽ bắt đầu từ năm 2025). Tuy nhiên hệ thống này có thể bị trì hoãn đến năm 2028 nếu giá nhiên liệu tăng cao bất thường.
- ETS II sẽ bao gồm phát thải từ nhiên liệu được sử dụng trong các tòa nhà và lĩnh vực vận tải đường bộ cũng như trong các lĩnh vực bổ sung tương ứng với các hoạt động công nghiệp không nằm trong phạm vi của ETS I.
- Tương tự như ETS I, hệ thống mới sẽ vận hành theo cơ chế “Cap and trade” (đặt ra mức trần phát thải và giao dịch tín chỉ carbon theo mức trần). Tuy nhiên, hệ thống này sẽ giới hạn lượng khí thải ở đầu nguồn phát thải: áp dụng cho các nhà khai thác và phân phối nhiên liệu (không phải hộ gia đình hoặc tài xế đơn lẻ).
- ETS II sẽ không phân phối tín chỉ carbon miễn phí. Tất cả đều được phân phối thông qua bán đấu giá, vì các tòa nhà và lĩnh vực vận tải đường bộ không chịu áp lực cạnh tranh, hoặc cạnh tranh tương đối ít từ bên ngoài EU và không có nguy cơ rò rỉ carbon.
- Sử dụng doanh thu: Các quốc gia thành viên phải sử dụng nguồn thu cho hành động về khí hậu và các biện pháp xã hội. Một phần doanh thu sẽ được sử dụng cho Quỹ Khí hậu Xã hội EU để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương.
- Cơ chế ổn định giá: Nếu giá tín chỉ carbon trong ETS II tăng trên 45 euro trong ba năm đầu tiên, các khoản tín chỉ bổ sung có thể được đưa ra.
Ở Đức, nơi đã tồn tại một hệ thống định giá carbon tương tự cho nhiên liệu vận tải và sưởi ấm, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo về khả năng giá sẽ tăng vọt khi hệ thống EU ETS II có hiệu lực hoàn toàn.
Lân Nguyễn (t/h)