- Tín chỉ Carbon đã trở thành một vấn đề quan trọng trong ngành du lịch toàn cầu. Theo ông, tác động của carbon đến ngành du lịch Việt Nam sẽ như thế nào?
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, carbon đã trở thành một xu hướng phổ biến trong ngành du lịch. Du khách ngày càng quan tâm đặc biệt đến các vấn đề môi trường, vì vậy điểm đến nào chú trọng vào môi trường và phát triển bền vững thì thường có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch.
Chú trọng vào việc phát triển bền vững về môi trường giúp cải thiện sự cạnh tranh và xây dựng thương hiệu trên thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải tuân thủ xu hướng phát triển bền vững để không bị tụt lại, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 khi nhu cầu của khách du lịch đã có những thay đổi đáng kể.
Trong ngành du lịch hiện nay, các hình thức phát triển bền vững bao gồm việc bảo vệ môi trường, xây dựng kinh tế tuần hoàn, giảm lượng carbon và giảm phát thải khí nhà kính. Đây là những yếu tố quan trọng, đóng vai trò lớn trong việc cung cấp một môi trường và chất lượng tốt cho du khách. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch cần thực hiện những loại hình này, đồng thời cũng là phần của chiến lược quốc gia về du lịch hướng đến phát triển bền vững.
- Là một trong những quốc gia du lịch phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang gặp những thách thức gì trong việc giảm phát thải carbon trong ngành du lịch?
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Theo quan điểm của tôi, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành du lịch liên quan đến việc giảm phát thải carbon là sự thiếu nhận thức, mà cần phải được nâng cao và hành động mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi sự thống nhất trong cộng đồng, không chỉ riêng trong doanh nghiệp du lịch mà còn trong các tổ chức quản lý và cộng đồng dân cư. Mọi người cần chung một định hướng để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Thách thức tiếp theo là bảo vệ và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên trong quá trình phát triển du lịch. Đồng thời, cần giải quyết vấn đề nguồn lực, đặc biệt là về mặt tài chính. Để thực hiện các mô hình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, doanh nghiệp cần có nguồn lực đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp lớn có thể có nguồn lực này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn. Do đó, hỗ trợ tài chính từ các cấp quản lý cần được tăng cường.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần tham gia đầu tư, ví dụ như xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chất thải tại các điểm đến du lịch. Điều này đòi hỏi hành động cụ thể và thực tế, phù hợp với các cam kết về môi trường quốc tế.
- Các biện pháp giảm carbon nào có thể được áp dụng trong ngành du lịch Việt Nam, và liệu chúng sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành này không?
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Như đã đề cập trước đó, để thực hiện các biện pháp giảm lượng carbon, sự tham gia của cả doanh nghiệp, người dân và chính phủ là cần thiết. Đặc biệt, việc áp dụng các mô hình tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, cũng như sử dụng năng lượng tái tạo là rất quan trọng. Doanh nghiệp cần đầu tư vào sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động du lịch của mình.
Ngoài ra, hệ thống xử lý rác thải và chất thải hiện đại tại các điểm du lịch cũng là điều cần thiết, vì việc xả thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.
Thêm vào đó, việc cung cấp nước sạch là một yếu tố quan trọng, cần có hệ thống cung cấp nước đồng bộ. Tất cả các hoạt động này đều cần phải được đầu tư một cách đồng bộ để giảm phát thải ròng trong lĩnh vực du lịch. Việc giảm phát thải không chỉ là một nhiệm vụ của ngành du lịch, mà còn là một phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch mà còn mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.
- Vậy ông nhìn nhận thế nào về xu hướng giảm carbon và du lịch bền vững ở Việt Nam? Liệu nó có tiếp tục phát triển và thúc đẩy sự thay đổi trong ngành du lịch không?
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nhận thấy rằng xu hướng giảm lượng carbon và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam đang có những tiến bộ đáng kể và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách và kế hoạch nhằm thúc đẩy sự phát triển của du lịch xanh và giảm lượng phát thải carbon. Ví dụ, Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đề cập đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, áp dụng công nghệ xanh và giảm thiểu tác động đến môi trường. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đang triển khai các sáng kiến như xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải và sử dụng ít nhựa một lần.
Xu hướng này đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ ngày càng lớn từ các doanh nghiệp du lịch. Nhiều khách sạn, resort và công ty du lịch đã tự chủ động áp dụng các biện pháp như sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải một cách hiệu quả và cung cấp các sản phẩm du lịch mang tính bền vững cao. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách về du lịch xanh.
Tôi tin rằng, xu hướng giảm carbon và phát triển du lịch bền vững sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong ngành du lịch Việt Nam. Với những nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến du lịch xanh và bền vững, góp phần vào việc bảo vệ môi trường toàn cầu.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Phan Chính (Thực hiện)