Theo Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ xây dựng 7 trung tâm logistics. Cụ thể, TP.HCM sẽ xây dựng nhiều trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750ha, gồm Cát Lái – Phú Hữu - TP Thủ Đức (diện tích 292 ha), Long Bình - TP Thủ Đức (diện tích 54 ha), Linh Trung - TP Thủ Đức (diện tích 74 ha), Củ Chi (diện tích 15 ha), Tân Kiên - huyện Bình Chánh (diện tích 60 ha), Hiệp Phước - huyện Nhà Bè (diện tích 100 ha), Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (diện tích 150 ha).
Ngoài ra, các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng; yêu cầu cao về kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, vốn, năng lực, kinh nghiệm xây dựng, quản lý, vận hành của nhà đầu tư...
Do đó, TP.HCM sẽ bổ sung các Trung tâm logistics trên vào Đồ án Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để có cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Hiện nay, TP. HCM đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP. HCM đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP.HCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%. Góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%.
Đến năm 2025, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% và đến năm 2030 đạt 70%; tỷ lệ doanh nghiệp 3PL, 4PL chiếm 3% - 5% trong tổng số doanh nghiệp logistics TP.HCM, hướng đến hình thành đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt, có khả năng dẫn dắt thị trường dịch vụ logistics khu vực phía Nam và cả nước.
TP. HCM mong muốn hình thành hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn thành phố để làm nơi trung chuyển, kết nối các luồng hàng lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu.
Nhằm phục vụ hệ thống logistics, TPHCM sẽ tiến hành rà soát, thống kê số liệu kho bãi tập trung trên địa bàn thành phố để đầu tư nâng cấp và phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng và TPHCM gồm đường bộ, đường thủy, đường hàng không và đường sắt; gắn kết đồng bộ với Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2030.
Bên cạnh đó, TPHCM sẽ xây dựng kho dữ liệu tập trung nhằm số hóa hoạt động vận tải; xây dựng nền tảng công nghệ thông tin khai thác dữ liệu dùng chung về hoạt động logistics phục vụ cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; lập bản đồ số logistics để có cơ sở dữ liệu chính thức, phục vụ cho công tác thống kê, tra cứu, hoạch định, tìm kiếm và tối ưu hóa mạng lưới logistics tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận…
TPHCM cũng nghiên cứu thành lập Trung tâm xúc tiến cung cấp giải pháp công nghệ logistics để kết nối doanh nghiệp logistics với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ logistics hiện đại; xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành logistics trên địa bàn TPHCM cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ logistics và nhà sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn TPHCM hoặc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần gia tăng tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics.
Trang Anh (t/h)