Từ “Kẻ ốm yếu của châu Âu” tới “Siêu cường”: “Người đàn bà thép” nước Đức đã thay đổi đất nước như thế nào?

15:58 30/09/2021

Thật khó để tin rằng nước Đức, nền kinh tế lớn nhất và thành công nhất trong khu vực EU từng được biết đến với biệt danh “kẻ ốm yếu của châu Âu” vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Nền kinh tế Đức đã có những bước phát triển vượt bậc dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel trong suốt 16 năm qua.

Theo Eurostat, năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, một phần tư (24,7%) toàn bộ tổng sản phẩm quốc nội của Liên minh châu Âu là do Đức tạo ra như một minh chứng về sức mạnh kinh tế của cường quốc này. CNBC đã tạo ra năm biểu đồ xem xét các phần khác nhau của nền kinh tế và xã hội Đức trong nhiệm kỳ của bà Merkel.

GDP

Nền kinh tế chủ đạo của Đức là sản xuất và mang định hướng xuất khẩu phát triển ổn định trong thời gian bà Merkal lãnh đạo. Biểu đồ dưới đây cho thấy nước này đã vượt xa các đối thủ lớn trong khu vực như Anh và Pháp. Khi bà Merkel lên nắm quyền vào năm 2005, nền kinh tế nước Đức đã trải qua một cuộc suy thoái chỉ hai năm trước đó. Trong giai đoạn năm mà bà nhậm chức, số liệu của văn phòng thống kê Liên bang Đức chỉ ra GDP đạt 2,3 nghìn tỷ euro (2,6 nghìn tỷ đô la. Năm 2020, nước này tăng vượt trội với hơn 3,3 nghìn tỷ euro.

Biểu đồ GDP của Đức, Pháp, Anh giai đoạn 2004-2020
Biểu đồ GDP của Đức, Pháp, Anh giai đoạn 2004-2020. (Ảnh: Ngân hàng Thế giới)

Nạn thất nghiệp

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thất nghiệp cũng đã giảm dưới thời bà Merkel, từ 11,1% năm 2005 xuống 3,8% năm 2020. Đức hiện là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất EU, chỉ sau nước láng giềng Hà Lan. Tỷ lệ này ở Đức chỉ ở mức 3,6% vào tháng 7 năm 2021 và con số này tăng lên 7,5% trong độ tuổi dưới 25.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng, dù bà Merkel đã có “thành công lớn” trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp nhưng phần lớn cơ cấu giảm có thể bắt nguồn từ các cải cách của người tiền nhiệm là Gerhard Schroeder. Tất nhiên, không thể phủ nhận công sức của chính phủ dưới quyền bà Merkel đã “duy trì tài chính công hợp lý và áp dụng biện pháp hãm nợ theo hiến pháp... bảo vệ thành công thị trường lao động với chương trình Kurzarbeit vào năm 2008 và 2020”. Kurzarbeit đề cập đến kế hoạch làm việc ngắn hạn của Đức, theo đó người sử dụng lao động giảm giờ làm việc của nhân viên thay vì sa thải trong thời gian khủng hoảng chẳng hạn như đại dịch Covid.

Biểu đồ tỷ lệ thất nghiệp của Đức, Anh, Pháp giai đoạn 2006 - 2020
Biểu đồ tỷ lệ thất nghiệp của Đức, Anh, Pháp giai đoạn 2006 - 2020. (Ảnh: Ngân hàng Thế giới)

Nhập cư

Một lĩnh vực mà Đức trở nên nổi bật so với các đối thủ Pháp, Anh là nhờ vào bối cảnh nhập cư của nước này. Đây có lẽ là lĩnh vực thành công vang dội của nữ Thủ tướng nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi. Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu giai đoạn năm 2014-2015, hàng trăm nghìn người di cư đã vào EU, nhiều người trong số họ chạy trốn cuộc nội chiến ở Syria. Các cuộc tranh luận đã nổ ra trong khối về cách phân bổ công bằng những người xin tị nạn giữa các quốc gia EU, trong đó, các nước Đông

Merkel đã đưa ra quyết định táo bạo khi làm ngược lại. Nước Đức mở cửa biên giới, cho phép hơn 1 triệu người tị nạn và di cư nhập cảnh năm 2015. Chính sách của bà Merkel về vấn đề di cư trong khoảng thời gian này được coi là chất xúc tác để các cử tri đổ xô đến Đảng lựa chọn mới cho nước Đức nhằm chống lại quyết định nhập cư tị nạn. Nhưng, vào năm 2011, tỷ lệ phiếu bầu của Đảng này đã giảm dần và chỉ đạt 10,3%.

Thu nhập

Thu nhập hộ gia đình khả dụng ở Đức cũng tăng đều đặn. Trong những năm tháng đầu tiên mà bà Merkel lên nắm quyền, mức thu nhập hộ gia đình ở Đức, Anh và Pháp không quá chênh lệch nhưng theo thời gian, khoảng cách ngày càng được kéo dài và Đức đang ở vị trí dẫn trước. Tại nước này, tổng thu nhập điều chỉnh của các hộ gia đình tính bình quân đầu người là 30.142 euro vào năm 2019, trong khi đó con số này chỉ đạt 25.155 euro ở Anh và 26.158 euro ở Pháp, theo dữ liệu của Eurostat.

Một vấn đề được nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận về thu nhập hộ gia đình ở Đức là khoảng cách giàu nghèo rõ rệt, đặc biệt là khi so sánh hai miền Đông - Tây của đất nước. Như Euromonitor International đã lưu ý trong một báo cáo tháng 9, “mặc dù tăng trưởng thu nhập và các sáng kiến ​​thúc đẩy bình đẳng thu nhập, nhưng sự chênh lệch giữa các vùng miền vẫn tồn tại giữa các vùng phía Đông và Tây của Đức”.

Đầu tư công

Đầu tư công có lẽ là lĩnh vực mà chính phủ của bà Merkel nhận về nhiều chỉ trích nhất khi nhiều ý kiến cho rằng các nhà cầm quyền đã bỏ bê chi tiêu và đầu tư cơ sở hạ tầng vì không muốn vay tiền và làm đảo lộn tuân thủ nghiêm ngặt cân bằng ngân sách. “Black Zero được biết đến là quy tắc ngân sách biểu tượng về nỗi ám ảnh thắt chặt chi tiêu tại đây. 

Các ý kiến cho rằng nước Đức chưa chi tiêu phù hợp cho đầu tư công dẫn đến cơ sở hạ tầng chênh lệch  các nước trong khu vực
Các ý kiến cho rằng nước Đức chưa chi tiêu phù hợp cho đầu tư công dẫn đến cơ sở hạ tầng chênh lệch các nước trong khu vực. (Ảnh: Getty Images) 

Cơ sở hạ tầng xuống cấp ở Đức được cho là bắt nguồn từ thiếu chi tiêu và chính phủ phải chịu trách nhiệm vì đã cắt giảm vay vốn xây dựng vào thời điểm lẽ ra nước này có thể vay với giá rẻ và môi trường lãi suất thấp. Vấn đề đi xa hơn nữa khi nhiều bên chỉ trích việc Đức không chi tiêu và nhu cầu thấp hơn đã tạo ra sự mất cân bằng trong khu vực đồng euro.

Stefan Koopman, nhà kinh tế thị trường cấp cao tại Rabobank, cho biết trong một ghi chú: “Việc chính phủ Đức thất bại trong việc chi tiêu bằng nợ sau các cuộc khủng hoảng năm 2008 và 2011 đã góp phần đáng kể vào tình trạng thiếu nhu cầu tư nhân triền miên, cán cân tiết kiệm, đầu tư, đồng euro và toàn cầu bị méo mó”. Các chuyên gia lưu ý rằng nhiệm vụ của chính phủ tiếp theo tiếp nối bà Merkel là giải quyết đầu tư cho cơ sở hạ tầng đất nước. Khu vực châu Âu nhiều lần lên tiếng rằng Đức không thể trì hoãn chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cần thiết lâu hơn nữa và khi các cuộc đàm phán liên minh diễn ra để thành lập chính phủ mới, rất nhiều con mắt đổ dồn sự chú ý về hành động tương lai của các bên.

TL (theo CNBC)