TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME: Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng

14:15 05/11/2022

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, đặt trong bối cảnh với các nước có nhiều yếu tố tương đồng về xuất khẩu hàng hóa, thu hút FDI, định hướng phát triển kinh tế giống Việt Nam, có thể nói nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng.

Theo TSTô Hoài Nam, những con số đã nói lên điều đó và ngay cả các định chế quốc tế, các tổ chức uy tín, đa quốc gia cũng đều ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đạt được. Đây là những kết quả mà chúng ta hoàn toàn có thể tự hào và có niềm tin rằng, thế và lực của chúng ta đang mạnh lên.

Cơ bản, chúng ta vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, mặc dù thị trường chứng khoán có những biến động; việc điều hành tỷ giá thể hiện chúng ta ở trong tư thế chủ động chứ không bị động, do đó không có sự xáo trộn lớn. 

Ảnh minh họa
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME - Ảnh: VGP/Hoàng Giang. 

Phân tích nguyên nhân để có những kết quả như trên, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, có nhiều yếu tố nhưng một yếu tố quan trọng, đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò hành động, chỉ đạo thực hiện.

Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã phát huy được tác động tích cực. Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng với Nghị quyết này, Việt Nam có cách xử lý nhanh, đúng thời điểm, thể hiện sự quyết đoán, quyết tâm của Chính phủ. Bởi nếu sớm hơn thì chúng ta chưa đạt đến độ bao phủ vaccine nhưng nếu muộn hơn thì mất cơ hội. Nghị quyết 128 thành công cũng bởi trước đó Chính phủ đã có chính sách mạnh mẽ, quyết liệt về bao phủ vaccine.

Nhấn mạnh yếu tố "hài hòa" làm nên thành công của các quyết sách, chỉ đạo của Chính phủ, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, đó là ngoài phát triển kinh tế vẫn bảo đảm chính sách an sinh xã hội, ngoài gói hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, tín dụng, tài khóa, giảm thuế… thì còn những gói hỗ trợ cho người lao động.

Hơn nữa, các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương thực hiện cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, kết hợp phòng chống tiêu cực, lãng phí, tham ô, cộng với việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu không thực thi sẽ bị xử lý, chứ không có chuyện "đứng một chỗ, không làm gì là không bị làm sao". Nhờ đó, tạo nên một tổng lực khiến môi trường kinh doanh tốt hơn để doanh nghiệp tăng trưởng.

Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, bởi chúng ta tăng trưởng trong bối cảnh đầy gian nan khi thế giới nhiều biến động và trong nước có một số vụ việc tác động đến yếu tố thị trường, tâm lý của các nhà đầu tư”, TS. Tô Hoài Nam bày tỏ quan điểm.

"Không chỉ tập trung nguồn lực của đất nước vào kinh tế mà còn cả vấn đề an sinh xã hội, nâng cao năng lực hành chính của các cơ quan Chính phủ. Do nỗ lực hài hòa các mũi như vậy, phù hợp với bối cảnh, năng lực, vì thế, chúng ta duy trì được sự bình yên của xã hội và phục hồi, phát triển kinh tế", TS. Tô Hoài Nam nhận định.

Ngoài ra, Việt Nam cũng khai thác được lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Nhiều nhóm hàng tăng trưởng kỳ tích. Rõ ràng khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thì ngoài các cơ hội về phát triển kinh tế, còn tác động, cải thiện chất lượng hoạt động của chính các cơ quan bộ ngành, địa phương.

Cũng theo VINASME, một trong những yếu tố quan trọng khác góp phần tạo nên sự thành công, đó là chuyển đổi số được thực hiện mạnh mẽ và lan tỏa nhanh chóng từ các doanh nghiệp, người dân và các cơ quan quản lý nhà nước, qua đó tiết kiệm được thời gian, đẩy nhanh được tốc độ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như cải tiến mô hình quản trị, quản lý điều hành.

TS. Tô Hoài Nam cho rằng, những yếu tố để tạo nên thành công vừa qua sẽ vẫn cần tiếp tục kiên định trong thời gian tới. Tuy nhiên, với một số tình huống, biến động từ thực tế xã hội, thị trường, các bộ ngành cần phản ứng chính sách nhanh hơn, thì sẽ bớt đi những tổn thất không đáng có, qua đó Việt Nam có môi trường vững chắc hơn để tăng trưởng thành công hơn nữa.

P.V/ theo Báo Điện tử Chính phủ