TS Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Vinasme: Cần lắng nghe ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Bên lề buổi tọa đàm: Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ “Bứt phá”, TS. Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme), Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & hội nhập xung quanh vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh.

 TS. Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Vinasme, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng 

Ông đánh giá như thế nào về kết quả cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua?

TS. Nguyễn Văn Thân: Ngay từ những ngày đầu của năm 2014, khi mà Nghị quyết 19/NQ-CP đầu tiên ra đời (ngày 18 tháng 3 năm 2014) Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; trong đó tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Sau 5 năm triển khai các Nghị quyết số 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đã có nhiều cải thiện tích cực, được các tổ chức quốc tế ghi nhận; được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào những nỗ lực cải cách của Chính phủ. Các bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm hoặc tăng hạng, trong đó, môi trường kinh doanh được đánh giá cải thiện tích cực. Cụ thể, có 6/10 chỉ số môi trường kinh doanh năm 2018 cải thiện so với năm 2014. Đó là chỉ số về tiếp cận điện năng (tăng 108 bậc), nộp thuế và bảo hiểm xã hội (tăng 42 bậc), bảo vệ nhà đầu tư (tăng 28 bậc), khởi sự kinh doanh (tăng 21 bậc), tiếp cận tín dụng (tăng 4 bậc), cấp phép xây dựng (tăng 1 bậc). Thông qua các chỉ số tăng liên tục, phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi toàn cầu.

Để tiếp tục thực thi những giải pháp, Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai một trong những đột phá chiến lược là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngày 01 tháng 01 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02 nhằm thay thế cho các Nghị quyết 19 trước đây. Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC đã và đang tích cực nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

Dưới góc độ là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng, ông có đề xuất, kiến nghị gì để cải thiện môi trường kinh doanh?

 TS. Nguyễn Văn Thân: Năm 2018, một trong những kết quả tích cực của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC là xây dựng và hoàn chỉnh Báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (Báo cáo APCI 2018 và được công bố vào sáng ngày 17/8/2018) với những phân tích đầy đủ các khía cạnh “chi phí” của việc thực hiện chuỗi những thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh (doing business) của doanh nghiệp, gồm khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh; đầu tư; đất đai; xây dựng; môi trường; thuế; hải quan.

Thông qua những kết quả khách quan được phản ánh bởi APCI 2018, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhằm xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ phấn đấu đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD. Một trong những yếu tố để thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh đó là Nghị quyết số 02 xác định cơ quan chịu trách nhiệm với từng chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Đề cao trách nhiệm của các Bộ trưởng, đề cao tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng có toàn quyền chủ động thực hiện các giải pháp cần thiết hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các giải pháp cần thiết để đạt mục tiêu đề ra. Điểm mới của Nghị quyết 02 ghi rất rõ là giao Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết. Đây là thay đổi rất quan trọng, qua đó thấy rằng Chính phủ ngày càng đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của tổ chức Hội. Vì vậy, các bộ, ngành ban hành các chính sách, chương trình hành động cần phải lắng nghe ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, người dân từ đó tiếp thu ý kiến để hoàn thiện phù hợp với thực tiển.

Để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta phải đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử. Về việc này, ngày 28/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1072/QĐ-TTg thành lập.

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Qua đó, minh bạch thông tin, cắt giảm chi phí, tránh gây phiền hà cho của doanh nghiệp, người dân khi tham gia thực hiện các thủ tục hành chính.

Xin cảm ơn ông!

Anh Thư - Gia Gia