Sáng ngày 18/7, tại Hà Nội, Viện Tư vấn Phát triển (CODE) và Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị - TheLEADER phối hợp tổ chức “Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới”. Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, giải pháp và những câu chuyện truyền cảm hứng về giảm phát thải gắn với kinh tế và sinh kế.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Kỹ sư, anh hùng lao động Hồ Quang Cua - cha đẻ giống gạo ngon nhất thế giới ST25 đã giới thiệu mô hình nông nghiệp điển hình là luân canh lúa – tôm tại bán đảo Cà Mau.
Dưới góc nhìn một nhà khoa học, ông Cua thấm nhuần tư tưởng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn dựa vào tự nhiên. Đất khỏe, không gian trong lành, hài hòa thì cây mới khỏe mà không cần đến hóa chất độc hại.
Với công cụ trong tay là giống gạo ngon nhất thế giới ST25, ông đã phối hợp với các bên liên quan để nhân rộng mô hình trồng lúa mùa nước ngọt, nuôi tôm khi xâm nhập mặn, song song với khuyến khích sử dụng vi sinh vật, thiên địch tự nhiên để chống chịu sâu, bệnh hại cây lúa. Mô hình đem lại kết quả ấn tượng, giúp gia tăng thu nhập người nông dân lên gấp đôi nhờ bán giá cao hơn gấp rưỡi, lại giảm tiêu hao đầu vào nhờ hạn chế 30% phân bón hóa học và 75% thuốc trừ sâu hóa học.
Đặc biệt, diện tích lúa – tôm đã đạt được các tiêu chí phát thải carbon thấp, tạo ra môi trường sống trong lành, bên cạnh tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon, đem lại cơ hội gia tăng hơn nữa thu nhập cho bà con từ việc bán tín chỉ.
![]() |
“Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới”. Ảnh: Hà Anh |
Đại diện các chủ rừng ở Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình (nay là xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị) - ông Nguyễn Quang Huy - cho hay, việc xác định ranh giới rừng khiến bà con cảm thấy mình đã thực sự trở thành chủ rừng, khơi dậy ý thức, trách nhiệm giữ rừng, làm giàu rừng.
Rừng là những bể chứa carbon tự nhiên, giúp lưu trữ, hấp thụ nhiều khí thải carbon, qua đó giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Từ năm 2023, các chủ rừng Cao Quảng đã được hưởng lợi từ dự án Thỏa thuận giảm phát thải khí nhà kính 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Bình quân, mỗi năm Cao Quảng nhận được gần 3 tỷ đồng, là khoản thu nhập tăng thêm tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa quan trọng, khuyến khích chủ rừng nâng cao trách nhiệm.
Với những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ rừng, ông Huy kiến nghị, bên cạnh việc đưa ra các chính sách đặc thù để chủ rừng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, cần xác định giá trị của rừng trong việc thực hiện cam kết Net Zero. Cộng đồng chủ rừng Cao Quảng cũng mong muốn thị trường carbon sớm đi vào hoạt động để người dân có được cơ hội tài chính tương xứng với nỗ lực giữ rừng, bảo vệ rừng.
Chia sẻ về các giải pháp tuần hoàn chất thải, ông Lê Quang Linh - Chuyên gia dự án giảm phát thải, tài chính xanh, Công ty CP Khoa học và môi trường Giant Barb - nhấn mạnh, đây là giải pháp hữu hiệu cắt giảm khí thải, tạo ra tín chỉ carbon và hướng đến Net Zero.
Để giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách theo hướng cắt giảm phát thải, ông Linh đề xuất, cần làm than sinh học (biochar) từ phế phẩm nông nghiệp như rơm, trấu, bã mía, vỏ cà phê, vỏ dừa… Biochar là vật liệu xốp, giàu carbon, giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng khả năng giữ nước, qua đó tăng năng suất cây trồng mà không phải phụ thuộc vào phân bón.
Ngoài ra, biochar cũng có khả năng hấp thụ kim loại nặng, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, bên cạnh việc giảm 10 – 12% lượng khí thải carbon do chuyển đổi thành năng lượng hoặc lưu trữ lâu dài trong đất.
Bên cạnh đó, cần thu hồi khí sinh học (biogas) từ chất thải chăn nuôi. Chăn nuôi là ngành tạo ra lượng chất thải khổng lồ, với 61 triệu tấn phân 304 triệu m3 nước thải và 15 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm. Đặc biệt, chất thải từ chăn nuôi heo không xử lý đúng cách là khí metan, gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 25 lần CO2. Nếu thu hồi khí metan thông qua hệ thống biogas, ngoài việc giảm đáng kể khí nhà kính, còn tạo ra nguồn năng lượng sạch với giá cả phải chăng.
Thực tế, chương trình Biogas cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã được triển khai, phát hành khoảng 928.000 tín chỉ carbon mỗi năm, với doanh thu từ tín chỉ carbon chiếm khoảng 50% ngân sách chương trình. Các trang trại cá nhân cũng tiết kiệm chi phí đáng kể nhờ tự chủ nguồn điện từ biogas.
Đồng thời, cần thu hồi khí từ bãi rác để phát điện; đốt rác phát điện. Tương tự như chất thải chăn nuôi, chất thải rắn sinh hoạt cũng thải ra rất nhiều khí metan, do đó hoàn toàn có thể sử dụng giải pháp thu hồi metan làm nhiên liệu tương tự như biogas. Đốt rác phát điện là công nghệ phổ biến ở các nước phát triển, có khả năng giảm thể tích và khối lượng rác thải từ 90 - 95%, qua đó giảm khí metan phát sinh.
Theo ông Linh, các nhà máy đốt rác vừa xử lý chất thải rắn, vừa tạo ra năng lượng giúp lưới điện quốc gia giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Việt Nam có thể tạo ra 200MW điện từ 4.000 tấn rác thải mỗi ngày.