Hàng hóa bị đình trệ, doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt thiệt hại
Nhiều lô hàng xuất khẩu nông sản đang bị ách tắc tại các cửa khẩu do doanh nghiệp chưa thể hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm – một yêu cầu bắt buộc từ phía thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU).
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, kể từ ngày 1/7/2025 – thời điểm Thông tư số 12/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức có hiệu lực, quy trình cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm có nguồn gốc thực vật đã được phân cấp về các cơ quan địa phương. Tuy nhiên, các quy định hướng dẫn đi kèm còn thiếu nhất quán và chưa kế thừa đầy đủ các nội dung từ Thông tư 44/2018 trước đó, dẫn đến tình trạng lúng túng trong triển khai thực tế.
"Việc chuyển giao này khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận đúng thời hạn, dẫn đến hàng hóa không thể thông quan đúng tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hợp đồng, uy tín và gây thiệt hại tài chính", VPSA phản ánh.
Trước tình hình này, VPSA đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kiến nghị khẩn trương điều chỉnh Thông tư 12/2025 theo hướng rõ ràng, nhất quán và phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu. Đồng thời, Hiệp hội đề xuất tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho cả cơ quan cấp tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm chuẩn hóa quy trình cấp giấy chứng nhận, rút ngắn thời gian xử lý và giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu.
![]() |
Doanh nghiệp xuất khẩu kêu cứu vì ách tắc thủ tục, kiến nghị khẩn Bộ Nông nghiệp và Môi trường |
Thanh long, đậu, bắp “mắc kẹt” vì chưa có chứng thư hợp lệ
Không chỉ ngành hàng gia vị, xuất khẩu trái cây, đặc biệt là thanh long cũng đang gặp khó khi tiếp cận thị trường châu Âu. Ông Huỳnh Cảnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận - cho biết, nhiều lô hàng thanh long hiện chưa thể xuất khẩu do không có chứng thư phù hợp với yêu cầu từ EU.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc trước đây, doanh nghiệp xuất khẩu được phép chủ động kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tự cấp chứng thư thông qua bên thứ ba. Tuy nhiên, sau khi EU phát hiện một số lô hàng thanh long có dư lượng vượt ngưỡng cho phép và sai phạm trong khâu chứng nhận, quy trình này buộc phải thay đổi. EU hiện yêu cầu chứng thư phải được cấp bởi cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam – điều mà nhiều địa phương hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Ngày 14/7, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong đó nêu rõ: Hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quy trình cấp chứng thư theo yêu cầu của EU, dẫn tới việc cơ quan địa phương không có căn cứ pháp lý để triển khai.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường lên tiếng
Giải đáp những khúc mắc của doanh nghiệp, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Từ 1/7, Việt Nam triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp và phân cấp một số thủ tục, bao gồm việc cấp chứng thư an toàn thực phẩm. Thay vì do Cục trực tiếp thực hiện như trước, nay việc này do các sở ngành địa phương đảm trách.
Tuy nhiên, phía địa phương còn nhiều bỡ ngỡ. Một số nơi cho biết hiện mới chỉ có biểu mẫu chứng thư bằng tiếng Việt, không đáp ứng yêu cầu sử dụng ngôn ngữ và hình thức mẫu chứng thư theo quy chuẩn của EU. Điều này khiến doanh nghiệp không thể hoàn tất thủ tục xuất khẩu.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang tích cực rà soát, điều chỉnh lại các văn bản hướng dẫn; đồng thời phân vai cụ thể giữa các cấp cơ quan để đảm bảo việc cấp chứng thư được thông suốt, thống nhất, tránh làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu.
Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu ngày càng siết chặt tiêu chuẩn kỹ thuật và truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu sức ép lớn trong việc duy trì tiến độ đơn hàng, bảo vệ uy tín và nâng cao chất lượng nông sản.
Việc chuyển giao thẩm quyền quản lý là cần thiết để phù hợp với quá trình cải cách thể chế và mô hình phân cấp, song các doanh nghiệp cho rằng việc này cần đi kèm với hệ thống hướng dẫn chi tiết, dễ tiếp cận và đồng bộ trên cả nước.