Trung Quốc vượt qua Mỹ về chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển vào năm 2025

11:10 16/07/2021

Theo một nghiên cứu mới, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc đang trên đà vượt Mỹ vào năm 2025.

Trung Quốc đã và đang tăng đều đặn chi tiêu cho nghiên cứu của mình trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh: Shutterstock

Trung Quốc đã và đang tăng đều đặn chi tiêu cho nghiên cứu của mình trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh: Shutterstock.

Trong khi đó, Mỹ đã đầu tư quá mức vào khoa học và đổi mới, điều này có thể làm giảm mức sống, sức khỏe, khả năng cạnh tranh quốc gia và năng lực ứng phó với khủng hoảng của người dân, bài báo từ Viện Aspen, một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết.

Tác giả Benjamin Jones, Giáo sư tại Đại học Northwestern ở Illinois, cho biết: “Nếu Trung Quốc thực hiện kế hoạch 5 năm hiện tại của mình, họ sẽ sớm vượt qua Hoa Kỳ về tổng chi tiêu cho R&D”.

“Trung Quốc đã tăng mạnh đầu tư vào khoa học và đổi mới để theo đuổi mục tiêu dẫn đầu thế giới về kinh tế và củng cố vai trò của  mình trong các vấn đề toàn cầu”.

Theo Jones, chi tiêu cho R&D của Trung Quốc đã tăng 16% hàng năm kể từ năm 2000, so với 3% ở Mỹ.

Trong khi đó, chi tiêu công của Mỹ cho R&D tính theo tỷ trọng GDP đang ở mức thấp nhất trong vòng 60 năm qua, ông nói. Nhìn chung, Mỹ đã chi trung bình 2,8% GDP cho R&D trong thập kỷ qua.

Vào tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, nước này sẽ tăng cường chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản, mà ông gọi là "nguồn sáng tạo khoa học và công nghệ"

Chi tiêu của chính phủ cho nghiên cứu cơ bản sẽ tăng 10,6% trong năm nay, trong khi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sẽ tăng với tốc độ hàng năm ít nhất 7% trong 5 năm tới, theo báo cáo công tác hàng năm của chính phủ cho biết.

Kế hoạch 5 năm cũng tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và thông tin lượng tử.

Li cũng thông báo rằng Trung Quốc sẽ tăng khấu trừ thuế cho chi phí R&D của các công ty sản xuất lên 100%.

Cao Cong, Giáo sư nghiên cứu đổi mới của trường Kinh doanh Đại học Nottingham Trung Quốc ở Ninh Ba, đã đặt ra câu hỏi trong báo cáo khoa học của Unesco năm nay rằng liệu có đúng khi mô tả Trung Quốc là một “quốc gia thúc đẩy đổi mới” hay không.

Theo báo cáo, Trung Quốc đã tăng gấp đôi tổng chi tiêu nội địa cho nghiên cứu và phát triển từ năm 2012 đến 2019 lên hơn 2,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (340 tỷ USD), tương đương 2,23% GDP. Nhưng họ đã không đạt được mục tiêu của đất nước là 2,5% vào năm 2020.

Cao cho biết, tỷ trọng tổng chi tiêu nội địa cho R&D dành cho nghiên cứu cơ bản ở Trung Quốc cũng dao động quanh mốc 5%, so với 13% của Liên minh châu Âu.

Ông nói: “Không chỉ tỷ lệ chi tiêu được phân bổ cho nghiên cứu ứng dụng ngày càng giảm mà vấn đề mất cân bằng kinh niên trong việc phát triển thử nghiệm đã bị đánh giá thấp trong giới chính sách.

Trong tháng Sáu, Thượng viện Hoa Kỳ thông qua gói 250 tỷ đô la Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc. Nó bao gồm hàng tỷ đô la để tăng cường sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, một dấu hiệu cho thấy sự cấp thiết ngày càng tăng ở Washington về việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Dự luật cũng cho phép tăng khoảng 90 tỷ đô la Mỹ chi tiêu công cho R&D trong vòng 5 năm. Jones cho biết, các nhà hoạch định chính sách có xu hướng "tiến một bước đi lớn khi nhận thấy các mối đe dọa cụ thể”.

Erik Baark, Giáo sư danh dự tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho biết, không chắc Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ về tài trợ R&D, và phản ứng từ Washington sẽ giúp xác định kết quả của cuộc đua này

Ông cũng cho biết, Trung Quốc chi tiêu tương đối ít cho nghiên cứu cơ bản. “Ban lãnh đạo Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ chi nhiều hơn cho nghiên cứu cơ bản, nhưng ngay cả khi đó, câu hỏi được đặt ra sẽ là liệu họ có thể tài trợ cho nghiên cứu chất lượng cao không hay tiếp tục để nhiều kinh phí nghiên cứu cho các mạng lưới vốn đã quá cũ”, ông nhận định.

Bảo Bảo (Theo SCMP)