Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn phải quản lý chặt tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), chuyển tiền thu được từ BĐS ra nước ngoài; đồng thời thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tế về nhà ở của người dân.
Văn bản cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS.
Thực tế cho thấy, thời gian qua một số ngân hàng thương mại đã siết cho vay BĐS để tập trung nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh. Không ít ngân hàng tạm ngưng hợp tác với các doanh nghiệp BĐS để cho khách hàng vay các dự án BĐS nghỉ dưỡng, thậm chí ngừng giải ngân các khoản tín dụng BĐS dù đã được phê duyệt hồ sơ trước đó.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tín dụng 4 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tăng mạnh gắn liền với việc hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn và kiểm soát tốt tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có BĐS. Cụ thể, đến nay tổng dư nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng cho gần 2 triệu lượt khách hàng vay vốn, góp phần trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vay nhằm ổn định và phục hồi tăng trưởng. Dư nợ tín dụng ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên đạt 196.000 tỷ đồng, trong đó cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 76% trong tổng dư nợ.
PV