Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã chủ động phân bổ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), góp phần đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người nghèo và các nhóm đối tượng chính sách. Nguồn lực này đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục và nhà ở, từ đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Dù vậy, nhu cầu vay vốn hiện vẫn rất lớn. Việc tiếp tục đa dạng hóa kênh huy động và tập trung thêm nguồn lực đang được xem là nhiệm vụ cấp thiết nhằm triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trong giai đoạn tới.
Nhiều hộ dân tại thôn Trường Hải, xã Linh Trường, huyện Gio Linh được hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, do chi phí vật liệu tăng cao, số tiền hỗ trợ chỉ đủ cho phần xây thô. Không đủ kinh phí thuê thợ, người dân phải tự làm mọi việc, bà con trong thôn cùng nhau hỗ trợ nhân lực. Trong 99 hộ dân của thôn, có đến 43 hộ đang vay vốn NHCSXH, chủ yếu làm nghề bóc vỏ tràm với thu nhập thấp. Hiện có 18 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, nhiều nhà xây dở dang vì thiếu vốn, như trường hợp anh Thắng – người đang dựng tạm lều để ở cùng con trong khi chờ được vay thêm để hoàn thiện phần mái và nội thất ngôi nhà mới xây.
![]() |
Nhiều hộ dân tại thôn Trường Hải (xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) được hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, do chi phí vật liệu tăng cao, số tiền hỗ trợ chỉ đủ cho phần xây thô. Không đủ kinh phí thuê thợ, người dân phải tự làm mọi việc. |
Tính đến hết quý I/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt hơn 5.403 tỉ đồng, tăng 107 tỉ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt 259 tỉ đồng, chiếm 4,8%. Dù chưa chiếm tỷ trọng cao, nhưng đây là minh chứng rõ nét cho sự đồng hành của chính quyền trong việc tiếp sức người dân vượt khó.
Thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động 143-CTr/TU của Tỉnh ủy, Quảng Trị đặt mục tiêu bố trí ít nhất 150 tỉ đồng từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH trong năm 2025 để triển khai các chương trình tín dụng cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế. Hiện nay, mới chỉ có 40 tỉ đồng được bố trí, con số còn lại đang chờ tiếp tục cân đối trong thời gian tới.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Trần Đức Xuân Hương cho biết, để đáp ứng nhu cầu vốn thực tế, chi nhánh cần bổ sung thêm khoảng 110 tỉ đồng. Trong đó, riêng ba huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh cần 71 tỉ đồng để triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030. Bên cạnh đó, các chương trình cho người chấp hành xong án phạt tù, hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội và sửa chữa nhà tạm cũng cần thêm khoảng 39 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Để bảo đảm hiệu quả lâu dài, tỉnh Quảng Trị xác định việc huy động vốn cho tín dụng chính sách phải được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, với mục tiêu đến năm 2030, nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt 1.200 tỉ đồng, chiếm 15% tổng nguồn vốn hoạt động.
Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp tỉnh tiệm cận mức bình quân cả nước, đẩy nhanh tiến trình giảm nghèo bền vững và tăng cường an sinh xã hội cho người dân.