Tôn trọng luật chơi

17:00 12/09/2022

Khi nói về sự tự do trong thực hành sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ, một giám tuyển nghệ thuật từng phân tích: Nói một cách thực tế, ta đang sống trong một xã hội hậu chân lý (post-truth), tức một xã hội mà ai cũng có thể có công cụ truyền thông sẵn trong tay để tự tạo nên thế giới riêng, tạo ra sự thật riêng và có thể nói, ở mức độ cực đoan, ai cũng có thể bịa ra sự việc giống như sự thật về bản thân hay người khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đây là một xã hội nhạy cảm hơn nhiều xã hội khi chưa có truyền thông đại chúng và vì thế, dễ tổn thương hơn. Trong xã hội thực tại, khái niệm “kiểm duyệt” quay trở lại. Hầu hết các nền tảng mạng xã hội lớn trên thế giới đều có kiểm duyệt, quy định về tiêu chuẩn cộng đồng.

Ở khía cạnh nghệ thuật, ý kiến này hoàn toàn phù hợp, bởi những sản phẩm phục vụ công chúng và tác động trực tiếp vào đời sống tinh thần như những sản phẩm văn hóa - nghệ thuật - giải trí, việc kiểm duyệt không phải là điều tranh cãi. Cốt lõi là chúng ta cần một giải pháp cho kiểm duyệt với mục đích bảo vệ cộng đồng nhưng đồng thời không hạn chế các khía cạnh đẹp đẽ và sáng tạo nhất của hoạt động nghệ thuật. Đây thực sự không phải là bài toán mà một sớm một chiều hay một cá nhân/đơn vị có thể thực hiện được… Nó cần nhiều thời gian và nhiều sự chung tay.

Mới đây nhất, nam ca sĩ Tuấn Hưng tổ chức liveshow hát ở ban công và bị xử phạt. Mặc dù trước đó đã nhận được nhắc nhở từ đơn vị quản lý nhưng anh không thực hiện các thủ tục xin phép, vẫn tổ chức đêm nhạc. Cái tôi nghệ thuật hay cá tính sáng tạo để làm nên sự khác biệt, định hình phong cách cho nghệ sĩ sẽ không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, đừng để cái tôi quá mức và biến thành hành vi vi phạm quy định pháp luật. Chúng ta sống trong xã hội có pháp luật bảo vệ, trước hết cần tinh thần thượng tôn pháp luật.

Trong sự phát triển không ngừng của xã hội cũng như hội nhập quốc tế về mọi mặt, văn hóa - nghệ thuật muốn vươn mình trước hết phải tôn trọng luật chơi sòng phẳng. Trong đó, vấn đề bản quyền vốn là “chuyện muôn năm cũ” nhưng vẫn chưa có hồi kết... Như mới đây, nam ca sĩ T. có đến 5 MV ca nhạc hơn triệu view (lượt xem) nhưng cũng đành lẳng lặng rút khỏi nền tảng chia sẻ video YouTube khi vướng vi phạm bản quyền phần âm nhạc cùng những cáo buộc đạo nhái ca từ.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (đã thanh toán quyền tác giả) sẽ là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi. Bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó phải xin phép nhà sản xuất. Trước đây, để lách luật và hưởng trọn doanh thu từ lượt xem của khán giả, một số đơn vị phát sóng các trận bóng đá đã tắt tiếng phần nhạc Quốc ca để khỏi bị “đánh gậy bản quyền”. Vì một số nền tảng mạng xã hội khi phát hiện nội dung có sử dụng các bản ghi của đơn vị nào đó sẽ gửi thông báo và tự động chia tiền từ lượt xem cho đơn vị sản xuất nội dung video và đơn vị nắm giữ bản quyền bản ghi.

Những vấn đề tồn tại này không mới nhưng vẫn nhan nhản. Luật đã có nhưng ở góc độ nào đó, thái độ của người thực hành nghệ thuật quan trọng không kém khi chính mỗi người phải tự tôn trọng luật chơi. Tự do sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không phải và không thể là kiểu tự do ngẫu hứng và bản năng mà nó phải được kiểm soát trên nền tảng những giá trị văn minh và tiến bộ mà cộng đồng xã hội chung tay xác lập, tạo dựng nên. Đó có thể là những nguyên tắc được luật định, cũng có thể là những thang giá trị thuộc về quy chuẩn đạo đức, thuần phong mỹ tục...

(Theo Sài Gòn Giải Phóng Online)