Tính hai mặt khi đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự chủ

15:44 08/11/2021

Đổi mới cơ chế hoạt động, tăng tính tự chủ và thực hiện giá dịch vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các cơ sở khám chữa bệnh nói riêng là xu thế tất yếu trong phát triển cơ chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam.

Đây cũng là chủ trương lớn, nhất quán chung của Đảng, Nhà nước và là nội dung chính theo tinh thần Kết luận số 63-KL/TW ngày 27.5.2013 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Nghị định 16/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 6/4/2015) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006); và đặc biệt, mới đây nhất là Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ…

Quán triệt và triển khai Kết luận số 63/KL-TW ngày 27/5/2013 của Bộ Chính trị về:Một số vấn đề cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”, Chính phủ ban hànhNghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 (có hiệu lực từ ngày 6/4/2015) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định số 43/2006. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập được gia tăng quyền tự chủ về tài chính, bộ máy tổ chức và cơ chế hoạt động. 

  Ảnh minh họa.

Đơn vị sự nghiệp công lập được phân chia thành 4 loại theo mức tự chủ tài chính Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi phí thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Để đẩy nhanh triển khai thống nhất trên toàn quốc tăng tính tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có y tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, trong đó quy định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các Bộ, địa phương.

Nghị định 16/2015/NĐ-CP đang và sẽ tạo ra bước đột phá mới trong cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, mà trước đây vẫn còn rất nhiều bất cập, hạn chế. Tăng tính tự chủcho đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương lớn của Đảng, phù hợp với yêu cầu và sự phát triển các cơ chế và thể chế thị trường, xu hướng hội nhập quốc tế; đồng thời có những tác động hai mặt đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế:

Tăng tính tự chủ trong ngành y tế là nhằm mục tiêu hoàn thiện cơ chế thị trường đồng bộ hơn; đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, kể cả các đơn vị được Nhà nước bao cấp; chuyển đổi hình thức cấp phát ngân sách và giảm bớt bao cấp NSNN cho tiền lương trong các đơn vị sự nghiệp công, trong đó có trong lĩnh vực y tế (hơn 2 triệu người đang làm việc trong hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập các cấp Trung ương và địa phương trên cả nước hiện chiếm 38% tổng quỹ lương chi thường xuyên từ NSNN hàng năm), tăng nguồn thu, khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội và nâng cao hiệu quả đầu tư cải thiện số lượng và chất lượng dịch vụ y tế công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và sự phát triển của xã hội, nâng cao được mức lương của người lao động (hiện đang rất thấp nếu chỉ phụ thuộc vào NSNN), cũng như đảm bảo cho các đối tượng chính sách và người nghèo được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu với chất lượng cao hơn, công bằng hơn...

Theo ước tính của Bộ Y tế, đến nay có gần 100% các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đã thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 43. Nguồn thu sự nghiệp của các bệnh viện đã chiếm tỷ trọng rất cao ở hầu hết các nhóm bệnh viện: 96,8% ở bệnh viện tự chủ toàn phần; 72% ở bệnh viện tuyến trung ương; 81,7% ở bệnh viện tuyến tỉnh và 59,4% ở bệnh viện tuyến huyện. Công suất giường bệnh đã tăng 25% tại các bệnh viện tự chủ toàn phần. Nguồn tăng thu phần lớn lại đến từ các dịch vụ xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Ngoài ra, tất cả các bệnh viện còn chủ động mở rộng các “dịch vụ theo yêu cầu” để tăng thu như: khu y tế kỹ thuật cao, giường bệnh theo yêu cầu, phẫu thuật theo yêu cầu, khám bệnh ngoài giờ… Mọi hoạt động tăng thu đã được tận dụng tối đa.

Mặt khác,thực hiện tự chủ cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập cũng đối diện với một số tác động mặt trái về thu hẹp cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của một số nhóm đối tượng yếu thế xã hội; sự phát triển không cân đối của một số dịch vụ y tế và rủi ro đối với chính casb bộ và lao động đơn vị y tế…

Tuy nhiên, sự phân biệt giữa tài sản công với tài sản tư tại các cơ sở dịch vụ theo yêu cầu chưa được rõ ràng và tạo ra sự phản ứng trong xã hội liên quan đến tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe. 

Hơn nữa, tăng tự chủ và yêu cầu tính đúng, đủ chi phí dịch vụ y tế sẽ đồng nghĩa với tăng giá, phí dịch vụ y tế công, gây thêm khó khăn cho người nghèo trong tiếp cận dịch vụ y tế như là 1/8 chiều của chủ trương giảm nghèo đa chiều bền vững mà Việt Nam chính thức triển khai từ đầu năm 2016. Nói cách khác, tăng tự chủ là tăng phí dịch vụ y tế, cộng với việc chưa bao phủ BHYT toàn dân dễ tạo ra nhiều hậu quả không mong muốn đối với cả hệ thống y tế, bệnh viện và người dân.

Tăng tính tự chủ có thể gây phá vỡ hệ thống y tế cơ sở, người bệnh bị kéo lên tuyến trên chữa bệnh, kể cả những bệnh thông thường, gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo, quá tải tuyến trên và lãng phí và hệ thống y tế cơ sở (theo thống kê của ngành y tế năm 2008, số giường bệnh ở trạm y tế chiếm 22% tổng số giường bệnh của cả ngành, so với 29% ở tuyến huyện, 41% ở tuyến tỉnh và 8% ở tuyến trung ương). Bản thân sự phân bố tài chính cao hơn cho tuyến y tế trên như hiện nay còn tạo ra nghịch lý: ngân sách nhà nước đã phân bố, hỗ trợ nhiều hơn cho người giàu vì họ có khả năng tiếp cận y tế tuyến trên cao hơn người nghèo

Thực hiện tăng tự chủ sẽ không tránh khỏi có nhiều dịch vụ công rất khó xã hội hóa nhằm tự chủ nguồn tài chính nếu không có NSNN, nhất là trong việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị y tế dự phòng, hướng tới phục vụ cộng đồng và phòng chống dịch bệnh là chủ yếu, nguồn thu từ dân không đáng kể. Do đó, đề cao thái quá tự chủ tài chính sẽ làm giảm hiệu quả của các hoạt động phòng bệnh trong cộng đồng, đi ngược lại xu thế chung của y tế thế giới với phương châm “Phòng bệnh là chính”.

Ngoài ra, tăng tự chủ y tế dễ gây lúng túng hoặc lạm dụng, tham nhũng, trục lợi và lợi ích nhóm, đặc biệt trong liên kết xã hội hóa các dịch vụ y tế và trong tổ chức đấu thầu mua sắn tài sản thiết bị y tế, như các trường hợp đối với BV Bach Mai và BV Tim Hà Nội thời gian gần đây. Rủi ro càng cao khi chưa có sự đồng bộ và đầy đủ trong ban hành văn bản quy định quản lý nhà nước liên quan, nhất là vè khung giá dịch vụ y tế ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế và thiếu những điều chỉnh tương xứng về việc xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật của các loại hình dịch vụ theo nhu cầu người bệnh, trong đó có dịch vụ y tế quy chuẩn và cao cấp, nhất là mức trần giá bảo đảm tiêu chuẩn khám chữa bệnh thông thường để BHXH thực hiện việc chi trả và bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.

TS.Nguyễn Minh Phong