Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các nội dung chất vấn và cam kết tại kỳ họp trước, trong đó có việc siết chặt quản lý mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
Theo báo cáo, Bộ Y tế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, đặc biệt là các hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.
Bộ đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo siết chặt công tác kiểm tra, đồng thời phối hợp với các cơ quan như công an, quản lý thị trường và truyền thông để xác minh, xử lý các trường hợp mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc, hoặc gian lận thương mại.
![]() |
Bộ Y tế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, đặc biệt là các hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. |
Kết quả, Cục Quản lý Dược đã thu hồi 58 số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm, xử lý 35 sản phẩm vi phạm nhãn mác và chất lượng, đình chỉ 9 sản phẩm không đạt tiêu chuẩn và xử phạt gần 600 triệu đồng.
Từ đầu năm 2025, Bộ cũng đẩy mạnh giám sát hoạt động quảng cáo thuốc và mỹ phẩm trực tuyến. Cục Quản lý Dược đã chuyển 4 hồ sơ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền, xử lý 3 sản phẩm mỹ phẩm có nội dung công dụng không đúng với hồ sơ công bố, và cảnh báo về quảng cáo gây hiểu nhầm là thuốc.
Dù đạt một số kết quả, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thừa nhận việc giám sát nguồn gốc, chất lượng mỹ phẩm vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện Bộ đang xây dựng Nghị định về quản lý mỹ phẩm, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9/2025 để hoàn thiện khung pháp lý.
Với thực phẩm chức năng, Bộ Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo tăng cường thanh tra và xử lý vi phạm. Từ ngày 1/1 đến 14/4, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 5 cơ sở với tổng số tiền gần 370 triệu đồng.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong cảnh báo sản phẩm không đảm bảo an toàn và công khai danh sách cơ sở vi phạm để người dân nắm rõ.
Từ đầu năm 2025, Cục Quản lý Dược đã đình chỉ và thu hồi 9 sản phẩm mỹ phẩm không đạt chất lượng, tiêu hủy các lô hàng không đảm bảo và xử phạt gần 600 triệu đồng. Đồng thời, Bộ Y tế đã tăng cường rà soát hoạt động kinh doanh và quảng cáo mỹ phẩm trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội, chuyển 4 hồ sơ vi phạm cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý. |