Theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ, nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh, tên tuổi, thư tín của cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế hoặc bài viết, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, việc bác sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng là hành vi trái pháp luật.
![]() |
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. |
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành nghiêm túc quán triệt và thực hiện đúng quy định, nhằm hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, sai sự thật hoặc chưa được thẩm định nội dung.
Bộ Y tế cũng đã gửi thông báo đến các bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng y dược trực thuộc Bộ; các hội, hiệp hội liên quan đến thực phẩm; và Tổng hội Y học Việt Nam để phổ biến nội dung này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, kể cả người đã nghỉ hưu.
Đồng thời, Bộ yêu cầu các đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, cần báo cáo cơ quan chức năng để xử lý.
Bộ Y tế nhấn mạnh: thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ và bổ sung dinh dưỡng, không phải là thuốc và không có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng tâm lý muốn chữa bệnh nhanh của người dân để quảng cáo sai lệch, thậm chí sử dụng hình ảnh người nổi tiếng hoặc chuyên gia để tăng độ tin cậy.
Những lời quảng cáo như “chữa khỏi hoàn toàn”, “hiệu quả chỉ sau vài ngày” hay “bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên” thường là dấu hiệu của việc quảng cáo thổi phồng, không dựa trên cơ sở khoa học hoặc chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng.
Đáng lo ngại, nhiều nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng tham gia lan truyền thông tin sai lệch, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng thật sự của sản phẩm. Hậu quả là không ít người đã sử dụng sản phẩm mà không tham khảo ý kiến chuyên gia, dẫn đến các tác dụng phụ nguy hiểm hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Thêm vào đó, một số sản phẩm được quảng cáo rầm rộ còn có thể là hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, gây rủi ro lớn cho người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không tin vào các quảng cáo quá mức. Trước khi sử dụng thực phẩm chức năng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế, đồng thời lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ sở uy tín.
Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ – quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, nêu rõ: “Không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế; bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; thư cảm ơn của người bệnh; bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”. |