Bài liên quan |
Bộ Công an cùng Bộ Y tế phối hợp xử lý vụ sản xuất sữa giả quy mô lớn |
Vụ đường dây sản xuất sữa giả: Thủ tướng Chính phủ ra chỉ đạo |
Ngày 20/4, Bộ Y tế đã ban hành văn bản khẩn gửi đến Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu tăng cường công tác quản lý việc kê đơn, chỉ định, sử dụng thuốc, đồng thời siết chặt hoạt động tiêu thụ các sản phẩm không phải là thuốc như sữa và thực phẩm chức năng trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo chỉ đạo của Bộ, các đơn vị phải tiến hành rá soát, kiểm tra và đối chiếu kỹ lưỡng danh mục thuốc hiện đang được sử dụng tại cơ sở với danh sách các loại thuốc giả đã bị cơ quan chức năng điều tra và xử lý trong thời gian gần đây. Trường hợp phát hiện có vi phạm, các cơ sở phải kịp thời có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn cho người bệnh và giữ gìn uy tín chuyên môn.
![]() |
Bộ Y tế: Khẩn trương kiểm tra thực phẩm chức năng, sữa bán tại bệnh viện, phòng khám |
Đặc biệt, Bộ Y tế nhấn mạnh việc kiểm soát hoạt động tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm không phải là thuốc, cụ thể là sữa và thực phẩm chức năng, trong môi trường khám chữa bệnh. Các cơ sở cần kiểm tra và rà soát kỹ lưỡng việc nhân viên y tế giới thiệu, tư vấn hay bán những sản phẩm này cho bệnh nhân và người nhà, nhất là trong bối cảnh gần đây xuất hiện nhiều sản phẩm sữa giả, gây lo ngại cho người tiêu dùng.
Động thái này của Bộ Y tế xuất phát từ thực tế đáng báo động về việc lạm dụng kê đơn và giới thiệu các sản phẩm không đảm bảo chất lượng trong bệnh viện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh và niềm tin của xã hội đối với hệ thống y tế. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện chỉ đạo, kịp thời chấn chỉnh các hành vi sai phạm nếu có, hướng đến một môi trường khám chữa bệnh minh bạch, an toàn và đặt lợi ích người bệnh lên hàng đầu.
Như trước đó Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã đưa tin, vụ việc Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất sữa giả với quy mô đặc biệt lớn tại hai doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã khiến dư luận bàng hoàng, đặc biệt khi quy mô lên tới gần 500 tỷ đồng doanh thu và liên quan đến gần 600 loại sản phẩm sữa giả, trong đó có những dòng sữa đặc thù dành cho người bệnh tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai. Đây là những đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng cao và rất nhạy cảm với các sản phẩm không đảm bảo an toàn, do vậy mức độ nguy hiểm của vụ việc là đặc biệt nghiêm trọng.
Ngày 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 40 về xử lý vụ sản xuất, phân phối sữa giả. Cụ thể, Công điện nêu: Theo phản ánh của báo chí, vừa qua các cơ quan chức năng phát hiện một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, quảng cáo, phân phối nhiều loại sữa giả; nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo lắng, bất an vì đã lỡ mua, sử dụng các sản phẩm này.
Nhằm tăng cường trách nhiệm của các bộ, cơ quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả trong đó có sữa giả, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả để thông tin cho người tiêu dùng và đưa những người vi phạm ra xét xử.
Bộ Công Thương có nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có sữa giả.
Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, trên môi trường mạng và các xuất bản phẩm.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết.
Với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng quán triệt tập trung chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm sữa trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.