Bài liên quan |
Bộ Công an cùng Bộ Y tế phối hợp xử lý vụ sản xuất sữa giả quy mô lớn |
Ngày 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 40 về xử lý vụ sản xuất, phân phối sữa giả. Cụ thể, Công điện nêu: Theo phản ánh của báo chí, vừa qua các cơ quan chức năng phát hiện một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, quảng cáo, phân phối nhiều loại sữa giả; nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo lắng, bất an vì đã lỡ mua, sử dụng các sản phẩm này.
Nhằm tăng cường trách nhiệm của các bộ, cơ quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả trong đó có sữa giả, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả để thông tin cho người tiêu dùng và đưa những người vi phạm ra xét xử.
Bộ Công Thương có nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có sữa giả.
![]() |
Vụ đường dây sản xuất sữa giả: Thủ tướng Chính phủ ra chỉ đạo |
Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, trên môi trường mạng và các xuất bản phẩm.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết.
Với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng quán triệt tập trung chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm sữa trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Như trước đó Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã đưa tin, vụ việc Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất sữa giả với quy mô đặc biệt lớn tại hai doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã khiến dư luận bàng hoàng, đặc biệt khi quy mô lên tới gần 500 tỷ đồng doanh thu và liên quan đến gần 600 loại sản phẩm sữa giả, trong đó có những dòng sữa đặc thù dành cho người bệnh tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai. Đây là những đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng cao và rất nhạy cảm với các sản phẩm không đảm bảo an toàn, do vậy mức độ nguy hiểm của vụ việc là đặc biệt nghiêm trọng.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà và sáu người khác liên quan đến hành vi sản xuất và tiêu thụ sữa giả suốt 4 năm qua mà không bị phát hiện. Sự việc dấy lên nhiều câu hỏi trong dư luận về năng lực giám sát, vai trò quản lý của các cơ quan chức năng, cũng như tính hiệu quả của các quy định hiện hành trong kiểm soát an toàn thực phẩm và sản phẩm lưu hành trên thị trường.
Ngày 15/4, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã lên tiếng khẳng định Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quá trình điều tra, nhằm đảm bảo đủ căn cứ pháp lý để xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân liên quan. Đại diện Cục ATTP nhấn mạnh, trong thời gian qua, Bộ Y tế thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng như Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương để đấu tranh với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm giả, thực phẩm chứa chất cấm hoặc không đạt tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, vụ việc lần này cho thấy rõ ràng vẫn tồn tại những lỗ hổng lớn trong hệ thống giám sát và hậu kiểm sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn thực phẩm hiện nay được doanh nghiệp tự công bố theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Việc trao quyền tự công bố sản phẩm cho doanh nghiệp là một bước đi nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, song cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tự chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố, chất lượng và mức độ an toàn của sản phẩm. Nhà nước chỉ giữ vai trò hậu kiểm, tức là kiểm tra sau khi sản phẩm đã lưu thông, nên nếu thiếu sự kiểm soát chặt chẽ và nghiêm túc, các hành vi gian dối hoàn toàn có thể qua mặt cơ quan chức năng như đã xảy ra trong vụ việc này.
Ngay sau khi sự việc bị phát hiện, Bộ Y tế đã có động thái khẩn cấp nhằm kiểm tra và ngăn chặn các vụ việc tương tự có thể tái diễn. Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Hùng Long đã ký văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu tiến hành rà soát toàn diện các hoạt động công bố sản phẩm, điều kiện an toàn thực phẩm và hồ sơ liên quan đến thanh tra, kiểm tra từ năm 2021 đến nay đối với các công ty có dấu hiệu liên quan. Các địa phương được yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin về tên sản phẩm, số lượng công bố, các giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, cũng như kết quả thanh tra, xử lý hành chính nếu có. Đây là động thái nhằm truy tận gốc trách nhiệm quản lý tại từng cấp, từng địa phương, xác minh rõ các lỗ hổng trong quá trình hậu kiểm, đồng thời khắc phục triệt để những điểm yếu dễ bị các đối tượng lợi dụng để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu rà soát các hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm có nguy cơ cao như sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi – những nhóm sản phẩm vốn bắt buộc phải được UBND cấp tỉnh cấp giấy xác nhận trước khi quảng cáo và lưu hành.