Thanh long - một trong những mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng do dịch Covid -19.
Nhập siêu trở lại
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, kim ngạch xuất khẩu tháng 1-2020 của Việt Nam đạt 19 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ tháng 1-2019; kim ngạch nhập khẩu đạt 19,1 tỷ USD, giảm 11,3% và nền kinh tế đã rơi vào tình trạng nhập siêu 100 triệu USD, thay vì xuất siêu như năm 2019.
Số liệu do Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, đến ngày 15-2, kim ngạch nhập khẩu vẫn cao hơn xuất khẩu, đẩy mức nhập siêu lên 410 triệu USD... Nguyên nhân được lý giải là do tháng 1 có đợt nghỉ Tết Nguyên đán dài, nên số ngày làm việc cũng như công suất hoạt động của doanh nghiệp có phần giảm sút. Ngược lại, hoạt động nhập khẩu lại có xu hướng tăng đối với một số mặt hàng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
“Tiếp đó, từ đầu tháng 2, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra (Covid-19) đã làm một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông sản bị ảnh hưởng do sự thắt chặt giao thương. Từ đó, tác động đến kết quả xuất khẩu nói chung”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đánh giá.
Từ đầu năm đến nay có 38/45 mặt hàng xuất khẩu giảm và 53/63 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu giảm. Đáng chú ý, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã ghi nhận sự giảm sút, trong đó hàng dệt may giảm 21%, điện thoại và linh kiện giảm 22,4%, máy móc, thiết bị và phụ tùng giảm 6,5%... Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây) xác nhận, dù đã ký được đơn hàng xuất khẩu, nhưng đơn vị không thể nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc về để triển khai sản xuất; trong khi đó, cũng không thể tìm ngay được nguồn cung nguyên liệu khác để thay thế trong một sớm một chiều. “Chúng tôi chưa thể dự đoán đến khi nào tình hình ổn định trở lại”, ông Nguyễn Ngọc Khánh cho biết.
Tái cơ cấu sản xuất và tìm thị trường mới
Trước tình hình bất lợi với xuất khẩu bởi dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã khuyến nghị doanh nghiệp cân nhắc, giảm việc chuyển hàng hóa lên cửa khẩu biên giới phía Bắc. "Mặt khác, Bộ Công Thương đang chỉ đạo hệ thống thương vụ tại nước ngoài tập trung tìm, giới thiệu khách hàng mới cho doanh nghiệp xuất khẩu; góp phần chuyển hướng thị trường, nhất là đối với nông - thủy sản. Về phía doanh nghiệp nên tăng cường tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, chủ động tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.
Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khuyến nghị, trong bối cảnh khó khăn cũng là lúc doanh nghiệp nhìn lại thực trạng và năng lực của mình, chủ động tái cơ cấu sản xuất, cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ cao, để đáp ứng yêu cầu của những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu (EU).
Theo ông Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và dự báo thị trường (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương), trên cơ sở nguyên nhân của nhập siêu thời gian qua, vấn đề đặt ra hiện nay là doanh nghiệp cần nỗ lực ổn định sản xuất, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để hồi phục, tăng tốc xuất khẩu ngay khi hết dịch. Với đà tăng trưởng xuất khẩu cao như năm 2019, cùng sự cải thiện về chất lượng hàng hóa nội địa, chắc chắn hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ sớm lấy lại phong độ.
"Hiện việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bước vào năm thứ hai và cộng đồng doanh nghiệp Việt đã làm quen, tích lũy kinh nghiệm thực tế. Thêm vào đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp có hiệu lực sẽ là điều kiện thuận lợi thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, trong đó nhiều lĩnh vực có thế mạnh xuất khẩu được hưởng lợi, như dệt may, giày dép, nông - thủy sản, đồ gỗ...", ông Lê Huy Khôi đánh giá.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Hà Thị Hồng Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Thành Vinh (quận Nam Từ Liêm) thông tin, bên cạnh việc tìm kiếm nguồn đầu ra trong nước, sắp tới Công ty sẽ chuyển hướng xuất khẩu nông sản sang thị trường Ấn Độ, một thị trường lớn, phù hợp với các mặt hàng nông sản sạch, sản xuất theo phương thức hữu cơ của doanh nghiệp. "Được biết, Chính phủ đã chỉ đạo xem xét giãn nợ, giảm lãi suất, đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại, đây là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường", bà Hà Thị Hồng Phượng chia sẻ.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, cũng như chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường mới. Đơn cử như Tập đoàn Hòa Phát đang triển khai kế hoạch xuất khẩu 400.000 tấn thép xây dựng trong năm 2020 sang thị trường Lào, Thái Lan, Indonesia, Campuchia để tận dụng lợi thế gần về địa lý trong khi nhu cầu tại đây đang gia tăng. Con số này cao hơn hẳn kết quả xuất khẩu 265.000 tấn thép trong năm 2019. Một số doanh nghiệp dệt may chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ một số nước cũng ký hiệp định thương mại với EU (như Hàn Quốc) để vừa phục vụ sản xuất, vừa sẵn sàng đón nhận EVFTA.
Sự quyết liệt trong điều hành, hỗ trợ từ cơ quan quản lý, sự chủ động, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp là những giải pháp cần thiết để lấy lại đà tăng của xuất khẩu, tái lập vị thế xuất siêu, hướng tới hoàn thành kế hoạch chạm mốc kim ngạch xuất khẩu 300 tỷ USD khi kết thúc năm 2020.