TikTok khó thắng trong vụ kiện Chính phủ Mỹ

14:56 16/05/2024

Khi Chính phủ Mỹ chưa đưa ra minh chứng cụ thể về nguy cơ an ninh từ TikTok, mạng xã hội này lại có căn cứ khá thuyết phục khi viện dẫn Tu chính án thứ nhất. Tuy nhiên, khi xem xét dưới góc độ an ninh quốc gia thì mọi lý lẽ khác sẽ thành thứ yếu.

ByteDance bị buộc phải thoái vốn khỏi TikTok nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ
ByteDance bị buộc phải thoái vốn khỏi TikTok nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ. (Ảnh: CNBC)

Chưa có chứng cứ rõ ràng về nguy cơ an ninh

Ngày 24 tháng 4, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký một đạo luật yêu cầu ByteDance buộc phải thoái vốn khỏi TikTok và bán lại cho bên mua nằm ngoài Trung Quốc trong vòng 270 đến 360 ngày, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ.

Đến ngày 7 tháng 5, ByteDance đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ lên Tòa phúc thẩm Liên bang ở Washington DC nhằm tìm cách ngăn chặn việc thực thi đạo luật nói trên. Điều này chính thức đánh dấu một cuộc chiến pháp lý được cho là sẽ kéo dài giữa ByteDance và Chính phủ Hoa Kỳ.

Ngay từ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã nhiều lần đe dọa sẽ "cấm cửa" TikTok vì những cáo buộc mạng xã hội này được sử dụng cho mục đích tình báo, thu thập thông tin và thói quen của người dùng tại Hoa Kỳ.

Đầu tháng 3 năm 2023, chính quyền Tổng thống Joe Biden yêu cầu các cơ quan Chính phủ phải xóa TikTok ra khỏi các thiết bị liên bang vì lo ngại vấn đề bảo mật dữ liệu. Lệnh cấm chỉ áp dụng với các thiết bị của Chính phủ, mặc dù một số nhà lập pháp tại Mỹ đang ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn TikTok khỏi quốc gia này.

Đến tháng 5 năm 2023, Thống đốc bang Montana - Greg Gianforte cũng đã ký luật cấm hoàn toàn TikTok ở bang này, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/1/2024. Tuy nhiên, trước khi lệnh cấm của chính quyền bang Montana có hiệu lực, Thẩm phán Liên bang Donald Molloy đã phủ quyết lệnh cấm này, với lý do chính quyền bang Montana đã "vượt quá quyền hạn của bang và vi phạm Hiến pháp theo nhiều cách khác nhau".

Nhưng đến tháng 12 năm 2023, một Thẩm phán Liên bang ở Texas đã giữ nguyên lệnh cấm ngăn nhân viên tiểu bang sử dụng Tik Tok, cho rằng, đây là một hạn chế hợp lý trước những lo ngại của Texas về quyền riêng tư dữ liệu.

Các quan chức Chính phủ và các nhà lập pháp ngày càng bày tỏ lo ngại về sự phát triển nhanh chóng của TikTok và khả năng bị các đối thủ nước ngoài sử dụng để theo dõi người Mỹ và thao túng dư luận thông qua các thuật toán của ứng dụng. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn chưa cung cấp bằng chứng công khai để hỗ trợ cho những tuyên bố đó.

Có lý cũng chưa chắc đã thắng kiện?

TikTok đã đệ đơn lên thẳng Tòa phúc thẩm Liên bang Quận Columbia do tính chất "thẩm quyền chuyên biệt" được quy định trong PAFACA (Đạo luật bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát). Theo đó, chỉ tòa này mới có thẩm quyền xét xử các khiếu nại liên quan đến đạo luật. Đây cũng được coi là tòa án cấp cao thứ hai tại Mỹ, chỉ sau Tòa án Tối cao.

Theo giới chuyên gia, động thái cho thấy ByteDance không có ý định bán lại cổ phần. Công ty cũng công khai tuyên bố rằng, họ không thể và sẽ không đáp ứng thời hạn thoái vốn này, do đó công ty coi hành động pháp lý sẽ là giải pháp chính để tiếp tục hoạt động tại thị trường Mỹ. Điểm mấu chốt trong lập luận pháp lý của TikTok là đạo luật do Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký ban hành vi phạm các quyền của Tu chính án thứ nhất.

Tu chính án thứ nhất (Tu chính án I) Hiến pháp Hoa Kỳ cấm việc đưa ra bất kỳ luật nào không tôn trọng việc thiết lập tôn giáo, đảm bảo rằng không có lệnh cấm tự do tôn giáo, giảm bớt quyền tự do ngôn luận, xâm phạm tự do báo chí, can thiệp vào quyền tụ tập ôn hòa, hoặc cấm yêu cầu kiến ​​nghị sửa đổi các khiếu nại của chính phủ. Đây là một điều luật quan trọng, mang tính định hình nguyên tắc vận hành của xã hội Mỹ.

ByteDance viết trong đơn kiện rằng: “Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ban hành một đạo luật nhắm đến một nền tảng ngôn luận duy nhất để cấm vĩnh viễn trên toàn quốc và cấm mọi người Mỹ tham gia vào một cộng đồng trực tuyến độc đáo với hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới".

"Ngay cả các tuyên bố của từng thành viên Quốc hội và báo cáo của Ủy ban Quốc hội cũng chỉ cho thấy lo ngại về khả năng giả định rằng TikTok có thể bị lạm dụng trong tương lai mà không trích dẫn bằng chứng cụ thể, dù nền tảng này đã hoạt động một cách nổi bật tại Mỹ kể từ khi nó được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2017", đơn kiện đưa thêm dẫn chứng.

Luật sư Wilson Freeman thuộc Tổ chức tư vấn pháp lý Pacific Legal Foundation bình luận: “Tôi không ngạc nhiên khi TikTok tập trung vào Tu chính án thứ nhất vì đây có vẻ là căn cứ pháp lý mạnh mẽ nhất cho đến nay. Bạn không bao giờ có thể đoán trước được chuyện kiện tụng nhưng tôi sẽ không bất ngờ chút nào nếu TikTok giành chiến thắng nhờ tu chính án này”.

Ông Patrick Toomey, Phó Giám đốc Dự án An ninh Quốc gia của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ ACLU nói, lệnh cấm TikTok sẽ “ngăn chặn quyền tự do ngôn luận và hạn chế quyền truy cập của công chúng” vào một nền tảng đã trở thành nguồn chia sẻ thông tin trung tâm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, lập luận của ByteDance không phải là nền tảng pháp lý vững chắc cho TikTok. “Nhìn chung, các công ty nước ngoài không có quyền hiến định”, trang Yahoo Finance dẫn nhận định của ông Jamil Jaffer, Giám đốc Trường Luật Antonin Scalia tại Viện An ninh Quốc gia thuộc ĐH George Mason, Mỹ.

Ông Gus Hurwitz, thành viên cấp cao tại Trường Luật Carey, ĐH Pennsylvania, nói với hãng tin AP rằng, Chính phủ Mỹ có thể sử dụng vấn đề an ninh quốc gia như “con át chủ bài” chống lại TikTok. Ông cho biết: “Một khi các vấn đề an ninh quốc gia xuất hiện, mọi thứ sẽ khó đoán”. 

TikTok là nền tảng số một về giải trí tại Mỹ

Kể từ khi ra mắt tại Mỹ vào năm 2018, TikTok đã nhanh chóng vươn lên trở thành một nền tảng giải trí hàng đầu, một nguồn cung cấp tin tức chính và một ứng dụng có ảnh hưởng tới văn hoá. Dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew tiết lộ rằng, hơn một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ từ 18 đến 29 tuổi sử dụng TikTok, với khoảng 40% thường xuyên tìm kiếm nguồn tin tức từ ứng dụng này - gấp đôi so với năm 2020. Định giá hoạt động của TikTok tại Mỹ trên thị trường vẫn chưa được chắc chắn, tuy nhiên có những đề xuất khoảng 20 tỷ USD được xem là giá thầu khởi điểm.

Lân Nguyễn