Việc đề xuất thực hiện một thỏa thuận thị thực chung cho Đông Nam Á đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới học thuật và doanh nghiệp, với tiềm năng tác động sâu rộng đến nền kinh tế, ngành du lịch và mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước ASEAN. Đây là đánh giá của Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Giảng viên cấp cao tại Đại học RMIT, nhấn mạnh về sự quan trọng của sáng kiến này trong bối cảnh hợp tác ngày càng chặt chẽ trong khu vực ASEAN.
Sáng kiến Thị thực Chung Đông Nam Á, được Thái Lan đưa ra, đề xuất tạo ra một hệ thống thị thực duy nhất cho sáu quốc gia ASEAN bao gồm Campuchia, Malaysia, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Đây được xem là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác và hội nhập trong khu vực ASEAN, như đã được thảo luận tại Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội vào tháng 4/2024.
Thỏa thuận Thị thực chung sẽ giúp các công dân nước ngoài chỉ cần một thị thực duy nhất để thăm sáu quốc gia trong khu vực và tự do di chuyển giữa các quốc gia này trong thời gian thị thực. Với Việt Nam, một trong những lợi ích chính là khả năng gia tăng lượng khách du lịch quốc tế. Dự kiến, thỏa thuận này sẽ thu hút nhiều khách du lịch từ các thị trường tiêu thụ lớn như châu Âu và Bắc Mỹ, từ đó giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong chiến lược du lịch Đông Nam Á của họ.
Việc gia tăng lượng du khách quốc tế sẽ đóng góp vào việc nâng cao thu nhập từ du lịch, cải thiện cán cân thanh toán và tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới. Đồng thời, thỏa thuận cũng có thể thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đó tăng cường tính động của ngành du lịch và nền kinh tế nói chung. Sáng kiến từ Thái Lan đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các chính phủ, doanh nghiệp du lịch và giới học giả. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã thể hiện sự ủng hộ đối với thị thực ASEAN từ năm 2016, nhấn mạnh vào tiềm năng hợp tác và sức mạnh toàn cầu của ASEAN trong lĩnh vực du lịch.
Để chuẩn bị và tận dụng các cơ hội mà thỏa thuận thị thực chung mang lại, Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro khuyên rằng Việt Nam cần thực hiện các bước như thiết lập các hiệp định song phương và đa phương với các nước ASEAN và các đối tác quốc tế khác. Ông nhấn mạnh việc xác định khung pháp lý, giải quyết các vấn đề chung về an ninh và giám sát, đồng thời đảm bảo tính tương thích của chính sách thị thực.
Việc áp dụng thị thực chung sẽ đòi hỏi các quốc gia tham gia phối hợp chặt chẽ để đồng ý với các quy tắc nhập cảnh chung đối với du khách từ các quốc gia thứ ba và điều chỉnh chính sách nhập cư cho du khách quốc tế. Họ cũng cần phát triển hạ tầng công nghệ và bảo mật để đảm bảo an toàn cho hệ thống thị thực.
Mặc dù còn nhiều thách thức và hạn chế cần giải quyết, nhưng với tầm quan trọng của ngành du lịch đối với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, sáng kiến thị thực chung vẫn được dự đoán có tiềm năng lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và hội nhập trong khu vực.
Nỗ lực của Việt Nam
Một giải pháp để tiến tới hiện thực hóa sáng kiến visa chung là thông qua một quá trình lặp lại với các thỏa thuận song phương, một điều mà Việt Nam đã làm được rất tốt. Hiện tại Việt Nam đã chủ động miễn thị thực cho du khách là công dân đến từ Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus. Họ có thể ở lại Việt Nam trong 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh bất kể dùng loại hộ chiếu nào và mục đích chuyến đi. Việt Nam cũng đang nghiên cứu một chương trình thí điểm cho phép miễn thị thực từ 6-12 tháng cho các du khách thuộc nhóm chi tiêu cao. Việt Nam cũng đang đàm phán với 15 nước để cùng miễn thị thực cho nhau, và với 80 nước về miễn thị thực cho những người mang hộ chiếu ngoại giao hay công vụ. Việc miễn thị thực cho tất cả các nước trong EU sẽ là một bước đi đúng hướng trong việc tạo ra một không gian du lịch kiểu như khối Schengen tại Đông Nam Á mà Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ đó.
Bình Anh