Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 35/CĐ-TTg ngày 10/4/2024 gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu.
Công điện nêu: Thời gian gần đây, báo chí phản ánh hoạt động xuất khẩu một số dược liệu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Ngoài nguyên nhân do thị trường khó khăn, giá giảm, còn có nguyên nhân là vướng mắc trong thực hiện một số quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 04/3/2021.
Để tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định; việc sửa đổi các quy định cho hoạt động này hoàn thành trước ngày 25/4/2024.
Trước đó, Tạp chí Công Thương đã có bài viết phản ánh ngày 2/4/2024, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) có Công văn số 71/CV-VPSA kiến nghị Chính phủ về vấn đề quy định xuất khẩu mặt hàng tinh dầu Quế theo Quy định Thông tư 48/2018-TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế.
Công văn của VPSA cho biết, do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện các quy định về quản lý và xuất khẩu mặt hàng tinh dầu Quế, hiện nay tại vùng nguyên liệu tồn kho khoảng 100 tấn và ước tính hết vụ quế mùa Xuân tháng 3-4/2024 sẽ có thêm khoảng 400 tấn tinh dầu nữa.
Từ thực tế trên, VSPA kiến nghị, do nhóm mặt hàng tinh dầu nói chung và tinh dầu Quế nói riêng là nhóm hàng lưỡng dụng, hiện được sử dụng cho nhu cầu thực phẩm trên thế giới rất lớn; trong tương lai các cây gia vị khác của Việt Nam cũng có khả năng phát triển chế biến sâu là sản phẩm tinh dầu nên Hiệp hội cho rằng, việc quản lý cần tạo điều kiện hỗ trợ xuất khẩu tối đa, nhất là xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng và nông nghiệp tuần hoàn, hỗ trợ giảm phát thải carbon, là sinh kế của bà con dân tộc vùng cao.
Hiệp hội và các địa phương cũng đã báo cáo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và đồng thời kiến nghị Bộ Y tế xem xét tạo điều kiện cho tinh dầu Quế được xuất khẩu theo kê khai doanh nghiệp, là nhóm thực phẩm hàng hóa xuất khẩu thông thường, mục đích sử dụng không phải làm nguyên liệu thuốc hay dược liệu.
Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng là tinh dầu Quế tự nhiên để làm nguyên liệu cho thực phẩm, đồ uống thì các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo, tuân thủ theo đúng các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về các hàng hóa xuất khẩu.
Trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng; tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế.
Riêng đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Ngoài quế, hồi đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu khác như: thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể.
Tuy giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm.
P.V (t/h)