![]() |
Thị trường nhóm nông sản 24/7: Lúa mì, ngô và đậu tương đồng loạt giảm |
Thị trường lúa mì
Giá lúa mì giao dịch tại Sàn CBOT tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư, chịu áp lực từ động thái chốt lời và những dự báo cho thấy nguồn cung toàn cầu dồi dào. Theo các nhà phân tích, việc giảm giá diễn ra ngay cả khi thị trường ghi nhận các yếu tố hỗ trợ nhất định từ chuyến khảo sát mùa vụ tại Bắc Dakota.
Ngày đầu tiên trong chuyến khảo sát kéo dài ba ngày đối với lúa mì đỏ cứng vụ xuân tại tiểu bang sản xuất chủ lực này cho thấy năng suất tại khu vực phía nam cao hơn mức trung bình – dù chưa đạt kỷ lục năm ngoái nhờ thời tiết mưa thuận lợi trong mùa hè. Kết quả ngày khảo sát thứ hai sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Tư.
Chốt phiên, hợp đồng lúa mì đỏ mềm vụ đông tháng 9 tại CBOT (WU25) giảm 9 cent, xuống còn 5,4005 USD/giạ. Lúa mì đỏ cứng vụ đông tháng 9 tại Kansas (KWU25) mất 9,75 cent, về 5,2305 USD/giạ, trong khi lúa mì vụ xuân tháng 9 tại Minneapolis (MWEU25) giảm 3,75 cent, đạt 5,88 USD/giạ, thiết lập mức đáy mới trong phiên.
Một phần áp lực cũng đến từ các giao dịch chênh lệch giá giữa lúa mì và các nông sản khác. Mike Zuzolo – Chủ tịch Global Commodity Analytics – cho biết các quỹ đầu cơ có vị thế bán ròng mạnh với ngô đang chuyển hướng mua lúa mì hoặc gia súc thay thế.
Thị trường Ngô
Giá ngô kỳ hạn tiếp tục xu hướng giảm sang phiên thứ ba liên tiếp, do ảnh hưởng từ giao dịch chênh lệch giá và kỳ vọng sản lượng thu hoạch lớn trong mùa vụ năm nay của Mỹ.
Hợp đồng ngô tháng 12 tại CBOT (CZ25) hạ nhẹ 0,5 cent, còn 4,1705 USD/giạ. Dù đầu phiên giá có dấu hiệu phục hồi, nhưng đến giữa buổi chiều, diễn biến thời tiết tích cực với dự báo có mưa tại các vùng trồng ngô trọng điểm đã làm xói mòn lực mua.
Ngoài ra, thông tin từ Nhật Bản và Mỹ đạt được thỏa thuận giảm thuế quan – vốn từng bị đe dọa bởi chính quyền Trump cũng góp phần ổn định tâm lý thị trường nhưng chưa đủ sức kéo giá tăng trở lại.
Một số nhà giao dịch lưu ý có hiện tượng rối loạn thụ phấn tại một số cánh đồng ngô, tuy nhiên hiện chưa có dấu hiệu lan rộng. Đồng thời, các mức giá chào mua ngô giao ngay tại vùng Trung Tây biến động trái chiều do hoạt động bán vẫn chậm và giới đầu tư đang bám sát diễn biến thời tiết.
Thị trường đậu tương
Giá đậu tương tiếp tục xu hướng giảm, do hoạt động chào giá xà lan giao đến các cảng Vịnh Hoa Kỳ suy yếu trước thông tin không mấy tích cực từ Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.
Cụ thể, chính phủ Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu giảm dần sử dụng bột đậu tương trong chăn nuôi nhằm kiểm soát tổng đàn lợn, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới. Một chuyên gia thị trường cho rằng, những tuyên bố này không cho thấy dấu hiệu về việc tăng mua hàng trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng lên kế hoạch tham gia đàm phán kinh tế với Mỹ tại Thụy Điển từ ngày 27 - 30/7. Giới đầu tư đang chờ số liệu bán hàng xuất khẩu hàng tuần do USDA công bố vào thứ Năm, với kỳ vọng dao động từ 250.000 – 500.000 tấn đậu nành.
Trong khi đó, giá xà lan đậu tương CIF Gulf giao tháng 7 giảm 1 cent, còn +101 cent so với hợp đồng kỳ hạn tháng 8 (SQ25). Hàng giao tháng 8 giảm 2 cent, về +102 cent so với kỳ hạn CBOT. Phí FOB đậu nành giao tháng 8 ổn định ở mức +112 cent.
Đối với ngô, giá xà lan giao tháng 7 giữ nguyên ở mức +93 cent so với hợp đồng tháng 9 (CU25), và tháng 8 cũng không đổi ở +92 cent. Phí FOB đối với ngô vận chuyển tháng 8 neo ở +105 cent.
Trong diễn biến khác, một số doanh nghiệp Hàn Quốc đã hoàn tất các thương vụ mua ngô trong các phiên đấu thầu quốc tế.