Nguyên nhân có sự gia tăng này là nhờ vào ‘sức khỏe’ tài khóa, tự do đầu tư và môi trường pháp lý.
Như vậy, so với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn duy trì được môi trường tự do hơn Thái Lan, Malaysia và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Trong khi Malaysia và Singapore được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế tự do, Thái Lan, Indonesia và Philipines là tương đối tự do.
Chỉ số này cũng tương đồng với những xếp hạng gần đây của các tổ chức khi đánh giá về nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, ở chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm ngoái, Việt Nam tăng 2 bậc, lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).
Quan trọng hơn, Việt Nam có điểm số cao trong cả 7 trụ cột chính được lấy làm cơ sở đánh giá, xếp hạng. Đây được xem là kết quả đáng khích lệ trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp
Hay như chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam cũng được WB đánh giá cao. Năm 2018 WB đã xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong khối ASEAN.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều chỉ số kinh tế của Việt Nam được thăng hạng, nhưng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam lại có dấu hiệu giảm so với những năm trước. Như vậy, có thể hiểu rằng, Việt Nam có cải thiện về năng lực cạnh tranh nhưng chậm và thiếu bền vững.
Điều này có thể nhìn thấy khá rõ trong những yếu tố giảm điểm của Việt Nam. Đó là kỹ năng giảm 1,5 điểm (từ 55,8 xuống 54,3 điểm); thể chế giảm 1,2 điểm (từ 50,7 xuống 49,5 điểm). Kết cấu hạ tầng; hiệu quả thị trường hàng hoá, hiệu quả thị trường tài chính giảm 0,6 điểm mỗi trụ cột. Năng lực đổi mới sáng tạo giảm 0,5 điểm. Mức độ năng động trong kinh doanh giảm 0,3 điểm.
Vì vậy mà cần ghi nhận những khuyến nghị của Heritage, để tiếp tục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam cần củng cố thể chế để làm cho chế độ điều tiết hiệu quả hơn, thu hẹp bộ máy quan liêu và làm cho nó minh bạch hơn, củng cố hệ thống tư pháp để thúc đẩy tự do kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải cách các doanh nghiệp nhà nước, giảm thâm hụt ngân sách, tăng tính minh bạch trong kinh doanh và tăng cường công nhận quyền sở hữu tư nhân.