Tháo gỡ các “nút thắt” để phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII

16:54 07/12/2023

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu chuyển đổi 18GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Để đạt được mục tiêu này, cần tháo gỡ các “nút thắt” cho phù hợp với quy hoạch.

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu chuyển đổi 18GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Như vậy, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện.

Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 vào năm 2045. Phát triển điện khí LNG góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hệ thống, giảm thiểu phát thải khí nhà kính tác động đến môi trường. Là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo cao trong cơ cấu nguồn, không gặp tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời.

Ảnh minh họa
Các đại biểu tham dự Diễn đàn hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII.

Phát biểu tại Diễn đàn hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII, chiều ngày 7/12, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển điện khí LNG. Đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ thị trường điện khí LNG.

Nhiệt điện khí LNG cũng là giải pháp hạn chế phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỷ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay. Đặc biệt giúp ngành điện phát triển "xanh" hơn, góp phần thực hiện cam kết mạnh mẽ tại hội nghị COP26.

“Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam cũng có những khó khăn, vướng mắc vì nước ta phải nhập khẩu hoàn toàn loại nhiên liệu khí hóa lỏng, chiếm từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nhưng lại biến động bất thường. Thách thức đặt ra là cần xây dựng cơ chế giá phù hợp vừa thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu vừa đảm bảo không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện”, ông Phòng nói.

Ảnh minh họa
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đưa ra các ý kiến và giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt để hiện thực hóa mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, phát triển điện khí LNG được xác định là giải pháp “xanh” trong chuyển dịch năng lượng bền vững tại nước ta. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh.

Việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Trong khi Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lên tới hàng tỷ USD cho cả chuỗi khí - điện.

Trên thế giới có khoảng 120 quốc gia và lãnh thổ đã phát triển ngành công nghiệp khí và thị trường khí. Thị trường khí của mỗi nước đều có đặc điểm riêng tùy thuộc vào điều kiện địa lý - tự nhiên, nguồn tài nguyên dầu khí và các loại khoáng sản khác, thành tựu khoa học công nghệ, hệ thống kinh tế - chính trị - xã hội, quan điểm và mục tiêu phát triển trong từng thời kỳ.

Trong những năm qua, hầu hết các nước đều hướng tới phát triển thị trường khí cạnh tranh để đạt đa mục tiêu về phát triển kinh tế quốc gia bền vững, tăng trưởng xanh; an ninh năng lượng, an toàn cung cấp khí và giá khí hợp lý, duy trì tăng trưởng bền vững nhu cầu sử dụng và đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

“Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí theo quy hoạch điện VIII, cần thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG cạnh tranh, hiệu quả cũng như mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG theo sát với mục tiêu cung cấp khí điện LNG trong Quy hoạch Điện VIII. Đồng thời, Chính phủ cần sớm phê duyệt các Kế hoạch thực hiện các quy hoạch trên để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng”, ông Long nói.

Tại diễn đàn, TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam đã đưa ra nhóm giải pháp gỡ “nút thắt “cho phát triển điện khí LNG. Đó là mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG; sớm sửa đổi các bộ luật về Điện lực, Bảo vệ môi trường, các luật thuế.

Đồng thời, thay đổi nhận thức và tư duy về điện LNG. Có cách tiếp cận mới trong cả chuỗi từ đầu tư nhà máy, cung ứng nhiên liệu, hạ tầng kho, cảng, vận chuyển, hộ tiêu thụ điện và giá điện khí bắt buộc phải theo cơ chế giá thị trường.

“Cần tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế sẽ giúp có cơ hội để xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách năng lượng nói chung và điện khí LNG nói riêng. Xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả tối ưu điện khí LNG. Cùng với đó, lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm triển khai”, ông Thập kiến nghị.

Hoài Anh