Thanh Hóa: Giải pháp phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025

17:04 21/11/2020

Với phương châm “Doanh nghiệp thành công – Thanh Hóa phát triển”, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn.

Thanh Hóa có nhiều giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian tới

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thanh Hóa có 14.230 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký 99.900 tỷ đồng, gấp 2,7 lần về số doanh nghiệp và gấp 4,4 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 17.300 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9.500 doanh nghiệp so với năm 2015, đạt 47,8 doanh nghiệp/vạn dân.

Cũng trong giai đoạn này, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 52,5% GRDP của tỉnh, tăng 16,1% so với giai đoạn 2011-2015; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt trên 39 nghìn tỷ đồng, chiếm 50,1% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh.

Cùng với những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm xã hội; tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài.

Bên cạnh đó, công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có những hạn chế, yếu kém như: Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nội lực doanh nghiệp còn hạn chế, khả năng cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp chưa cao. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tuy đã được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng; công tác cải cách TTHC chưa tạo được bước đột phá lớn trong hỗ trợ doanh nghiệp. Hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp các cấp đã có nhiều chuyển biến, song số lượng hội viên tham gia hiệp hội chưa nhiều, hiệu quả chưa cao. Việc triển khai các cơ chế, chính sách và các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp còn nhiều bất cập do vướng mắc về các quy định pháp luật và nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đề ra mục tiêu thành lập mới 15.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Hội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc thì vai trò của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng và không thể thay thế.

Để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn nữa, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đưa ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp; tạo sự thống nhất xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đưa tinh thần khởi nghiệp đến với mọi người dân, trong đó chú trọng khơi dậy niềm đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và đất nước đến với lực lượng thanh niên, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Hai là, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, nhất là trong việc tiếp cận các thông tin về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư... Đẩy mạnh công tác đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; nâng cao chất lượng của bộ phận tư vấn, hướng dẫn TTHC cho doanh nghiệp.

Ba là, việc tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Trung ương và tỉnh ban hành; đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế, chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu... theo hướng thông thoáng, thủ tục đơn giản, dễ thực hiện.

Bốn là, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế. Có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng, đa dạng thị trường, tìm kiếm các đối tác mới, ngành hàng mới. Hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động về tư vấn thành lập doanh nghiệp, cung cấp thông tin về tín dụng, thị trường, sản phẩm, công nghệ. Hỗ trợ đào tạo, khởi sự doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp...; triển khai các cơ chế, chính sách về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Sáu là, nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ cố tình nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Bảy là, phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, VCCI Thanh Hóa trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp; làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp; tập hợp các kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất với các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ.

Minh Hiền