Tỉnh Thanh Hoá là địa phương có tiềm năng đất đai đa dạng, với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 252.494 ha, đất sản xuất lâm nghiệp 252.494 ha. Người dân Thanh Hóa có truyền thống làm nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, trồng trọt. Trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành công tác phát triển chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.080 trang trại chăn nuôi và 739.350 hộ chăn nuôi, các trang trại phát triển đúng với định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh. Trong đó, 75% trang trại chăn nuôi lợn áp dụng quy trình VietGAP, an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh đảm bảo hiệu quả trong phát triển chăn nuôi; 88% trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ tự động hóa, bán tự động và cơ giới hóa; 100% trang trại bò sữa đã ứng dụng công nghệ tự động hóa và cơ giới hóa, các trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế Globalgap; 72,8% giống lợn trên địa bàn tỉnh giống lợn ngoại; 70% đàn bò được lai hoá; 85% đàn gia cầm giống gà ngoại, lai cho năng suất chất lượng vượt trội.
Trong đó, có 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có vốn đầu tư nước ngoài như: Công ty chăn nuôi C.P, CJ, Japfa comfeed, Golden, Mavin, Newhope,…hình thành chuỗi chăn nuôi theo hình thức gia công, đang đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi khi tham gia vào chuỗi liên kết; Công ty CP (liên kết gia công 92 trang trại lợn, 42 trang trại gia cầm); Công ty CJ (18 trang trại lợn); Công ty Japfa Việt Nam (04 trang trại lợn, 125 trang trại gia cầm); Công ty Mavin (4 trang trại lợn); Golden (45 trang trại gia cầm) Greechiken (18 trang trại gia cầm); Công ty Phú gia (20 trang trại gia cầm, 2 trang trại lợn);…
Trang trại bò sữa của Vinamilk. |
Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước đầu tư xây dựng dự án chăn nuôi quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến hoặc giết mổ và định hướng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi như: Tập đoàn Vinamilk, Tập đoàn TH True milk, Tập đoàn DABACO, Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia, 3FViet,...; Nhà máy giết mổ gia cầm Viet Avis của Công ty cổ phần Nông sản Phú Gia và Tập đoàn Mastergood-Hunggary, trung bình hàng năm giết mổ khoảng trên 01 triệu con gia cầm, cung cấp ra ngoài thị trường và định hướng xuất khẩu; Công ty Hoa Mai, Công ty xúc sản Hàm Rồng xuất khẩu lợn sữa sang Hồng Kông, Trung Quốc; các chuỗi liên kết trong sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Năm 2024 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành chăn nuôi của tỉnh ước đạt 4,6%, các sản phẩm chăn nuôi chính đều tăng khá.
Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, coi đây là nội dung quan trọng để nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác phòng chống dịch. Làm chuyển biến một cách sâu sắc và toàn diện cho các cấp, các ngành và nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ thú y. Tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là không để các dịch bệnh: Dịch tả lợn Châu phi, cúm gia cầm (H5N1, H5N6), viêm da nổi cục,....tái nhiễm lại trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường hướng tới xuất khẩu. Thực hiện tốt phương án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, tích tụ tập trung đất đai, ứng dụng công nghệ cao. Tăng giá trị trong chăn nuôi và phát triển bền vững. Đồng thời, coi trọng và tăng cường dự tính, dự báo về thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu để tiếp tục điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp theo nhu cầu thị trường. Hướng dẫn, chuyển giao, áp dụng đồng bộ, toàn diện các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong chăn nuôi và thú y trên nhiều phương tiện, để tổ chức sản xuất, kinh doanh chăn nuôi theo hướng tạo sản phẩm chăn nuôi tăng về sản lượng, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm.
Thanh Hóa định hướng chức sản xuất, kinh doanh chăn nuôi theo hướng tạo sản phẩm chăn nuôi tăng về sản lượng, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm. |
Theo kế hoạch hành động của tỉnh Thanh Hoá về chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn, mục tiêu đến năm 2030 phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển chăn nuôi toàn diện, theo hướng tập trung, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm; tăng cường liên kết, hợp tác trong chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị có khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng ngành chăn nuôi tỉnh ThanhHóa trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và đượcj công nghiệp hóaở hầu hết các khâu từ sản xuất, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, chế biến sâu đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến, khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; bệnh lây nhiễm sang người; sản phẩm chăn nuôi thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm, đảm bảo an sinh xã hội.