Hệ thống cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch tổng cộng 62 bến, đã có 21 bến đi vào hoạt động, trong đó khu vực cảng tổng hợp 10 bến, chuyên dùng 11 bến. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 561 lượt phương tiện làm thủ tục qua cảng; tổng trọng lượng hàng hoá xuất nhập khẩu đạt 13,58 triệu tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,9 tỷ USD (bằng 85% cùng kỳ năm ngoái); tổng số thuế thu nộp ngân sách nhà nước của hàng hoá qua cảng biển Nghi Sơn đạt hơn 3.354 tỷ đồng. Nhưng trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đầu tư khai thác hạ tầng cảng đang gặp phải những bất cập về tuyến luồng; sự thiếu thống nhất trong việc xác nhận cho tàu cập/rời cảng, trong đó có cả vấn đề chậm trễ trong việc kiểm tra an toàn trước khi tầu rời cảng.
Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo, thảo luận giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình khai thác cầu cảng tại địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn.
Tại hội nghị, đại diện Công ty TNHH Cảng quốc tế Nghi Sơn và đại diện một số doanh nghiệp đã đề nghị với Cục Hàng hải, Bộ Giao thông - Vận tải và Chính phủ sớm triển khai nâng cấp, mở rộng luồng chính của khu vực Cảng Nam Nghi Sơn để luồng chính có thể hàng hải các tàu 2 chiều cùng lúc và nâng sâu luồng chính để các tàu có trọng tải đến 70 nghìn DWT vào/ra các cảng thuộc cụm Cảng Nam Nghi Sơn không phải giảm tải. Đồng thời cũng đưa ra kiến nghị sớm quy hoạch, bố trí khu tái định cư phù hợp cho người dân để tạo thuận lợi cho Cảng hoạt động, khai thác; xem xét, quy hoạch bố trí cho toàn bộ ngư dân vùng neo đậu thuyền mới phù hợp và an toàn.
Trên cơ sở kiến nghị, thảo luận của các đơn vị, doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đề nghị với các cùng các cơ quan chức năng và lãnh đạo địa phương đã trao đổi làm rõ hơn những vấn đề các doanh nghiệp nêu tập trung giải quyết những vấn đề mà các doanh nghiệp nêu. Các đơn vị cần làm tốt các nhiệm vụ theo thẩm quyền và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh; đồng thời kết nối, thu hút thêm doanh nghiệp mở tuyến Contaner đi quốc tế, đồng thời giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính tại Khu kinh tế Nghi sơn, là đầu mối giúp các đơn vị, doanh nghiệp kết nối với nhau để làm việc tốt nhất trong Khu kinh tế.
Riêng đối với vấn đề Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương đã có một số ý kiến phản ánh, như: Việc công bố chiều dài mép bến cảng số 3 có sự chênh lệnh với chiều dài thực tế 32 m; việc tàu phải ló một phần chiều dài ra ngoài khoảng cách nối giữa các cầu cảng… lãnh đạo tỉnh đề nghị Cảng vụ hàng hải Thanh Hoá phải tiếp thu và chỉ đạo giải quyết triệt để, trong đó cần có sự phối hợp nhịp nhàng, thực hiện các bước thuộc thẩm quyền đúng quy định của pháp luật.
Cũng trong hội nghị lần này, Thanh Hóa cũng đề nghị các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan nâng cao năng lực bốc xếp hàng hoá, có mức giá phù hợp để phát triển bền vững. Đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác an ninh - trật tự, tránh sự va chạm giữa các tàu, thuyền trên biển; tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu cập bến thuận lợi, an toàn, đúng với quy định của pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, không gây phiền hà… tập trung tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, khai thác tối đa tiềm năng và công suất của khu vực cầu cảng.
Về công tác giải phóng mặt bằng, yêu cầu thị xã Nghi Sơn khẩn trương triển khai các dự án liên quan đến di dân, đầu tư xây dựng khu tái định cư, xác định vị trí quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản để tránh khu vực ra vào của tàu thuyền, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của Cảng Quốc tế Nghi Sơn đối với việc nâng cao đời sống của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngọc Lâm